Chuyển đổi số, tăng cường công nghệ - đưa ngành hải quan đạt mục tiêu kép
Ngày 6/7, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm "Tăng cường bảo đảm thu ngân sách và chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan".
Tọa đàm "Tăng cường bảo đảm thu ngân sách và chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan" - Ảnh: VGP/NN
Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, có 5 mốc quan trọng của ngành hải quan trong ứng dụng CNTT. Đó là, ngành có ứng dụng CNTT tương đối sớm, từ năm 1994-1995. Tại thời điểm đó, CNTT chủ yếu sử dụng trong công tác thống kê số liệu để phục vụ cho chỉ đạo, điều hành các cấp.
Thứ hai, năm 2001 khi Luật Hải quan có hiệu lực, ngành hải quan bắt đầu ứng dụng CNTT trong công tác nghiệp vụ và khai báo hải quan. Đây là một trong những bước đi khá nổi bật tại thời điểm đó bởi lẽ lần đầu tiên cơ quan hải quan áp dụng tiếp nhận thông tin khai hải quan thông qua hệ thống internet tại Việt Nam.
Thứ ba, năm 2005 ngành hải quan bắt đầu thí điểm thực hiện thủ tục hải quan điện tử giai đoạn một tại Chi cục Hải quan TPHCM và Chi cục Hải quan Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên cơ quan hải quan bắt đầu đưa ra khái niệm quản lý rủi ro và thủ tục hải quan điện tử. Đây cũng là tiền đề để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội sửa đổi Luật Hải quan năm 2000.
Thứ tư, năm 2014 có 3 sự kiện nổi bật. Đó là, tổng kết việc thực hiện Luật Hải quan từ năm 2000 cho đến 2014, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan năm 2000.
Cùng với ban hành Luật Hải quan năm 2014, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ hiệp định giữa các nước thành viên ASEAN. Đến năm 2018, chúng ta chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Tiếp đó, Việt Nam thay thế toàn bộ các thủ tục thông thường bằng thủ tục hải quan điện tử thông qua việc ứng dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đây là một mốc ứng dụng CNTT hết sức quan trọng của ngành hải quan.
Năm 2021, tổng kết việc thực hiện Chiến lược hải quan đến năm 2020, ngành hải quan đã đặt ra mục tiêu mới là tiếp tục ứng dụng CNTT một cách toàn diện, sâu rộng trong ngành hải quan gắn liền với chủ trương chuyển đổi số hướng tới hải quan số, hải quan phi giấy tờ, biên giới thông minh và các chuẩn mực quốc tế mới.
Cũng theo ông Phạm Duyên Phương, công tác cải cách hiện đại hóa hải quan đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Về phương thức quản lý, cơ quan hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện phương thức quản lý từ thủ công sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử với 5 mục tiêu (khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông quan hoàn toàn trên tờ khai điện tử; áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử; thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử).
Bên cạnh đó, ứng dụng toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin. Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Cụ thể, rút ngắn về mặt chi phí, thời gian khi thực hiện các thủ tục hải quan nói riêng và thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung. Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, thông qua việc thực hiện khai báo và cấp giấy chứng nhận, giấy phép qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Các hệ thống này đáp ứng được việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nhưng mặt khác lại tăng cường kiểm soát cho cơ quan hải quan. Dựa trên tính kịp thời, chính xác của thông tin, công cụ phân tích thông tin và đánh giá rủi ro sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Phương cũng điểm qua một vài con số về thành tựu mà ngành hải quan đã đạt được trong thời gian qua.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng vô cùng quan trọng và ấn tượng. Cụ thể, năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt qua mức 400 tỷ USD và đến năm 2019 cán mốc 500 tỷ USD, năm 2021 là 600 tỷ USD và năm 2022 vượt mức 700 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới.
Cùng với đó, tổ chức xếp hạng trên thế giới cũng xếp hạng rất cao nền kinh tế Việt Nam thông qua các báo cáo Business qua nhiều năm. Một trong những minh chứng cho độ mở của nền kinh tế, đó là từ trước năm 2014, số lượng tờ khai hải quan xuất nhập khẩu là dưới 10 triệu tờ khai/năm. Tuy nhiên, sau năm 2014 liên tục các năm tăng trưởng, trung bình mức độ tăng trưởng về hoạt động xuất nhập khẩu tính qua kim ngạch và tờ khai tăng trên 10%/năm. Hằng năm, trung bình xử lý trên 13 triệu tờ khai xuất nhập khẩu.
Thách thức rất lớn
Trao đổi về thách thức kép trong công tác bảo đảm thu ngân sách Nhà nước cũng như phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài nhiều năm qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, các vấn đề về gian lận thương mại, thuế, xuất xứ, hàng giả làm thất thu ngân sách giảm bớt sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính, những người tuân thủ luật pháp được hưởng lợi.
Thách thức này sẽ luôn tồn tại nếu còn thuế xuất nhập khẩu, những mặt hàng cấm, mặt hàng hạn chế. Chỉ khi nào tiến đến một xã hội các sản phẩm khoa học, sở hữu trí tuệ được sử dụng một cách rộng rãi... lúc đó mới hết những thách thức này.
Trước những thách thức này, đòi hỏi phải cải cách thể chế, đặc biệt đối với hải quan, theo hướng thuận lợi hoá thương mại. Đây là một trong những trọng điểm cải cách của Chính phủ nhiều năm qua: Thủ tục hải quan phải nhanh hơn, phải thuận lợi hơn, phương thức kiểm tra phải ít chi phí hơn, ưu tiên áp dụng kiểm tra rủi ro...
Khối lượng công việc lớn, độ phức tạp của hoạt động thương mại gia tăng, áp lực phải giảm thời gian kiểm tra, thủ tục thuận lợi, "đã nhanh rồi phải nhanh hơn nữa, đã thuận lợi rồi phải thuận lợi hơn nữa", tạo ra thách thức rất lớn đối với cơ quan hải quan...
"Theo tôi, với thách thức này, việc gia tăng về năng lực, cả về kỹ thuật và nhân lực rất quan trọng. Trong đó, ứng dụng CNTT cũng góp phần quan trọng trong việc giảm bớt thách thức này", ông Phan Đức Hiếu nói.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng có chia sẻ về dự báo và những giải pháp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Theo đó, bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch, ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số để kinh doanh và quản lý xã hội. Trong nước, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Biến động chênh lệch giá giữa các vùng, miền, trong và ngoài nước còn lớn.
Đặc biệt, có sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến của một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu. Đây là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, cũng là thách thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng thực thi công tác này. Thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, ông Trần Đức Đông đề nghị các bộ, ngành thành viên và các địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, xây dựng, triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây và tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Thứ ba, rà soát, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kết thúc những kế hoạch chuyên đề hết hiệu lực, kém hiệu quả và xây dựng, ban hành các kế hoạch chuyên đề mới phù hợp và đáp ứng được tình hình mới.
Thứ tư, tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến cơ chế phối hợp và các điều kiện khác để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời và từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông theo phương châm tăng về tần suất, đa dạng về hình thức và đảm bảo về nội dung và chất lượng tuyên truyền.
Thứ sáu, kiện toàn lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thành lập lực lượng chuyên sâu, chuyên ngành và thường xuyên đào tạo, tập huấn.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và ngăn ngừa sớm các sai phạm nhằm bảo vệ cán bộ, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và những sai phạm nghiêm trọng trong công tác này.
Theo baochinhphu.vn