Chuyển đổi số: Xây dựng chính quyền thân thiện, hình thành công dân số tại Đà Nẵng

11:16, 29/10/2022

Các mô hình chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền điện tử tại TP. Đà Nẵng đang từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Chuyển đổi số- câu chuyện xây dựng chính quyền đô thị thân thiện tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Phường An Khê thực hiện mô hình điểm về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu tại bộ phận một cửa - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Người dân là trung tâm chuyển đổi số

Từ khi triển khai mô hình chính quyền điện tử, người dân, doanh nghiệp tại phường An Khê tiết kiệm thời gian, không phải nộp hồ sơ nhiều lần. Ngoài ra, người dân có thể gửi tin nhắn, gọi điện phản ánh, kiến nghị đến chính quyền dễ dàng hơn.

Từ tháng 7, UBND phường An Khê (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã ra mắt mô hình "Ứng dụng zalo trong cải cách hành chính" trên điện thoại di động với tên gọi "Chính quyền điện tử phường An Khê". UBND phường yêu cầu từng cán bộ, công chức sử dụng zalo trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), là lực lượng đi đầu trong triển khai thực hiện, giới thiệu đến tổ chức, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia.

Ông Phạm Ngọc Thu (tổ 62, phường An Khê) chia sẻ: "Trước đây có bất kỳ vấn đề gì muốn phản ánh, tôi phải trực tiếp đi lên phường hoặc chờ tới những cuộc họp của phường, nay thông qua Zalo đã gửi được ngay thư phản ánh trực tiếp tới chính quyền phường, tránh được phiền hà, nhũng nhiễu. Như mới đây, thông tin về sự cố đường dây điện tại khu phố gây nguy hiểm được người dân phản ánh ngay trên Zalo đã được xử lý kịp thời, nhanh chóng. Như vậy có thể thấy việc triển khai, sử dụng kênh Zalo rất hiệu quả, thiết thực".

Ông Đỗ Văn Thành, thành viên BCĐ chuyển đổi số phường An Khê, cho biết ngay từ đầu năm, Tổ công nghệ số cộng đồng gồm tổ trưởng tổ dân phố và các thanh niên trẻ am hiểu công nghệ đã tổ chức về khu dân cư hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại tạo lập tài khoản và thao tác TTHC ngay tại nhà, không cần mất thời gian ra phường. Đến nay, 90 tổ dân phố đã thành lập được 90 tổ công nghệ số cộng đồng.

Chuyển đổi số- câu chuyện xây dựng chính quyền đô thị thân thiện tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Người dân truy cập vào trang Zalo "Chính quyền điện tử phường An Khê" để cập nhật tin tức và trực tiếp phản ánh lên trang - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường An Khê cho biết, việc triển khai chính quyền điện tử trên địa bàn phường đã giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện TTHC mà không cần trực tiếp tới cơ quan hành chính. Đồng thời, nâng cao tỉ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tỉ lệ trả hồ sơ đúng hẹn. "Đến nay, không còn tình trạng trễ hẹn hồ sơ của người dân, thống kê đến cuối tháng 9, tỉ lệ trả hồ sơ sớm đạt 70% và đúng hẹn là 30%", ông Khanh cho hay.

Vừa qua, UBND phường An Khê là một trong những phường đầu tiên của Đà Nẵng tổ chức thí điểm sử dụng bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng điểm "chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân". Theo đó, UBND phường thiết kế bộ nhận diện thương hiệu của Bộ phận một cửa gồm biển hiệu, trang phục, giao diện, tài liệu nghiệp vụ... theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Song song với việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, UBND phường An Khê xây dựng điểm "chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân", theo tinh thần "5 biết, 5 không, 3 thể hiện"; thực hiện khẩu hiệu về chính quyền số "tiếp cận nhanh, giải đáp nhanh và hoàn tất nhanh". 

"5 biết" là biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn. "5 không" là không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm; không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc. "3 thể hiện" là tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc với nhân dân; chuyên nghiệp trong giải quyết công việc với nhân dân, bảo đảm "nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, hài lòng hơn".

"Việc triển khai mô hình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa chính quyền với người dân, từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, thân thiện. Trong thời gian tới, ban chỉ đạo chuyển đổi số phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số", ông Lê Hữu Khanh nói.

Chuyển đổi số- câu chuyện xây dựng chính quyền đô thị thân thiện tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

Hiện Đà Nẵng đã triển khai 2.500 Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khu dân cư hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính online - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Hình thành công dân số, xã hội số

TP. Đà Nẵng vừa được vinh danh ở hạng mục Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với nền tảng Công dân số TP. Đà Nẵng tại giải thưởng "Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022" do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng.

"Nền tảng công dân số" là nền tảng thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ, dữ liệu số, các giao dịch… gắn với định danh duy nhất) và mỗi người dân có một mã QR duy nhất. Nền tảng này tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi, cũng như tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình.

Hiện nay, nền tảng đã có hơn 240.000 tài khoản, hồ sơ của người dân. Việc hình thành nền tảng công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào hình thành xã hội số, đặc biệt trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan Nhà nước cung cấp.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, hiện Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai nền tảng công dân số với hai nhiệm vụ chính, gồm: Triển khai đến các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đi đầu tạo lập tài khoản công dân số cho mình và gia đình; tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại từng thôn, tổ dân phố.

Hiện Thành phố có 2.500 Tổ công nghệ số cộng đồng với 14.000 thành viên, trong đó, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sẽ đi từng nhà, hướng dẫn từng người dân tạo lập tài khoản công dân số. 

Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thành phố sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp, bổ sung các tính năng, dịch vụ, tiện ích trên nền tảng công dân số để tạo thuận lợi và thu hút người dùng.

Thành phố xác định việc cung cấp dịch vụ phải theo hướng tích hợp với các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng được cung cấp từ bộ, ngành Trung ương như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm xã hội… để hạn chế thấp nhất việc phải sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc, cũng như phải khai báo lại nhiều thông tin khác nhau cho người sử dụng.

Kế hoạch đến hết năm 2022, cơ bản mỗi người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản công dân số và hết năm 2025, cơ bản mỗi công dân Đà Nẵng có tài khoản công dân số và sử dụng trong dịch vụ công và các giao dịch, giao tiếp.

Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành thông báo đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 về chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chuyển đổi số được xác định là động lực mới, là cơ hội để giải quyết điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao nhận thức, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là ưu tiên hoàn thành các mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết số 05-NQ/TU như đến năm 2025, 100% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở và sử dụng dữ liệu số; mỗi người dân độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, có tài khoản số, hồ sơ sức khỏe điện tử; mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tài khoản số và có sử dụng ứng dụng chuyển đổi số; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; tỷ trọng kinh tế số đóng góp GRDP thành phố tối thiểu là 20%...

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ