Chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu phát triển
Hơn 30 năm qua, VNPT TP.HCM (tiền thân là Bưu điện Thành phố) vẫn luôn khẳng định là đơn vị chủ lực trong phát triển dịch vụ BCVT-CNTT hiện đại, có trình độ công nghệ tiên tiến cập nhật thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội trên địa bàn phía Nam phát triển. Phóng viên Tạp chí Xã hội thông tin có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Long, Phó Giám đốc VNPT TP.HCM về những nỗ lực này.
Phóng viên(PV): Tầm nhìn và sứ mệnh của VNPT TP.HCM là “Trở thành nhà cung cấp giải pháp truyền thông tích hợp số một... Luôn sẵn sàng cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng trên khắp địa bàn...”, định nghĩa như vậy liệu có hơi đơn giản quá so với những gì đơn vị đã và đang làm?
Là đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT, chúng tôi là một trong những đơn vị sớm đi tiên phong trong hội nhập quốc tế để góp phần đưa về những công nghệ nền tảng quan trọng nhất cho một mạng lưới TTLL quốc gia hiện đại. Liên tục nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đều được công nhận là nước có cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại ngang tầm khu vực, có tốc độ phát triển thị trường CNTT- VT thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc). Có được tiềm lực về mọi mặt mạnh như vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục sẵn sàng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp truyền thông tốt nhất phục vụ khách hàng, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác cùng phát triển.
PV: Những công nghệ tiên tiến, cập nhật trình độ thế giới của Đơn vị mà ông vừa nhắc tới, cụ thể là gì và ứng dụng của nó trong dịch vụ mà VNPT TP.HCM cung cấp?
Ô.PĐL: Những công nghệ này tuy có tính chất chuyên ngành, song qua truyền thông rộng rãi cũng đã được nhiều khách hàng biết đến, có thể nêu một số công nghệ điển hình như: NGN, mạng viễn thông thế hệ mới trên nền công nghệ IP, đáp ứng các yêu cầu cao cấp về dịch vụ thoại, video, data...; WiMAX; GPON, giải pháp sử dụng trong mạng truy nhập cáp quang (FTTx), truyền số liệu băng thông rộng, tốc độ truy nhập cao và ổn định.
Gần đây nhất là MetroNET (trước còn gọi là mạng MAN), là dịch vụ của mạng đô thị băng rộng với đường truyền tốc độ siêu cao; MetroNet với băng thông rộng lên đến 1Gbps và đường truyền cáp quang đến tận điểm truy cập, cung cấp cho người dùng khả năng sử dụng đồng thời 3 loại dịch vụ thoại, dữ liệu và hình ảnh như: tổng đài ảo, điện thoại có hình (video phone), hội nghị truyền hình (video conference), xem phim theo yêu cầu (video on demand), truyền hình cáp, giám sát từ xa, Chính phủ điện tử....
Ngoài ra, một số dịch vụ có công nghệ mới đang được chúng tôi chuẩn bị đưa ra như di động 3G, truyền hình qua giao thức Internet- IPTV... sẽ cho khả năng tương tác cao giữa các khách hàng và giữa khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ.
PV: Vẫn biết hệ thống TTLL hiện đại của đất nước là do Ngành tự chủ gây dựng lên ngay từ những năm kinh tế trong nước còn rất khó khăn. Vậy ông có thể cho bạn đọc hình dung cụ thể hơn về mạng lưới TTLL huyết mạch của đơn vị trên địa bàn Thành phố?
Ô. PĐL: Đó là mạng lưới Viễn thông và CNTT hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhanh, đầy đủ các nhu cầu đa dạng của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước ngoài đang hoạt động, trú đóng tại TP.Hồ Chí Minh. Hệ thống tổng đài điện tử và mạng truyền dẫn tiên tiến cho dung lượng đáp ứng được hàng triệu số điện thoại cố định, thuê bao Internet. Hệ thống truyền dẫn có tốc độ cao, băng thông rộng, khả năng đảm bảo an toàn mạng và độ tin cậy lớn; Các dịch vụ viễn thông tin học được cung cấp trên nền IP hiện đại;
Ô.PĐL: Không ít địa phương mà trên cổng thông tin của mình lại xây dựng được và đưa vào triển khai ứng dụng tới hơn 50 quy trình cấp phép cho gần 10 lĩnh vực quan trọng như đất đai - nhà ở, xây dựng, kinh tế, văn hóa, lao động, chứng thực, hộ tịch. Sở TT-TT đang tích cực hướng dẫn triển khai cho 24 quận, huyện để bảo đảm đến năm 2010, tất cả quận, huyện trên địa bàn đều hoàn thành ứng dụng CNTT theo mô hình chính quyền điện tử của Thành phố. Đóng góp quan trọng và có tính chất quyết định trong thành quả đó chính là mạng lưới huyết mạch BCVT-CNTT bám sâu và tỏa rộng khắp địa bàn.
Trong các hoạt động của mô hình Chính phủ điện tử đang được cả nước xây dựng và đưa vào hoạt động, hệ thống truyền hình hội nghị chất lượng cao đã được đánh giá cao. Từ việc tỷ lệ các văn bản chuyển qua mạng ngày càng tăng, đến giao ban trực tuyến qua mạng của Chính phủ với các địa phương, giữa các Bộ, Ngành với các Sở, Ban, Ngành địa phương, cả các doanh nghiệp có mạng lưới chi nhánh, cơ sở trên toàn quốc cũng đã sử dụng nhiều... đều cho thấy lợi ích tính hiệu quả xã hội rất cao mà dịch vụ đem lại: tiết kiệm được cả về thời gian đi lại, tiền bạc chi phí cho hàng chục, hàng trăm người dồn về họp mỗi kỳ; quan trọng nhất là những nội dung giao ban làm việc của Nhà nước, doanh nghiệp có thể tương tác ngay tới số đông những người có trách nhiệm ở địa phương dự họp ở mỗi đầu cầu truyền hình, tính dân chủ và tập trung trí tuệ được nâng cao hơn.
Dịch vụ MegaE-Meeting vừa chính thức ra mắt, được xây dựng dựa trên tiêu chí thích ứng cao, có khả năng tích hợp với hầu hết các thiết bị văn phòng sẵn có như mạng LAN, WAN, gói Internet ADSL thông dụng mà số đông khách hàng đang sử dụng... nên chi phí rất tiết kiệm. Khách hàng có thể kết nối được tại nhiều điểm khác nhau, không giới hạn số người tham dự, đồng thời thực hiện được tất cả các nhu cầu về xử lý dữ liệu, ký duyệt trực tuyến, chia sẻ màn hình... trong một thời gian trùng hợp với nhiều điểm đầu cầu khác. Như vậy có thể nói, mô hình Chính phủ điện tử đã được chúng tôi hỗ trợ đưa tới ứng dụng trong từng gia đình, cá nhân.
PV: Những nỗ lực trong phục vụ và sản xuất kinh doanh thì đã thấy rõ, còn hoạt động có tính chất công ích xã hội của đơn vị thì sao?
Ô.PĐL: Ngoài những hoạt động chính sách xã hội mà doanh nghiệp nào cũng làm từ trước tới nay, tôi chỉ xin nêu một vài việc làm cụ thể gần đây nhất có liên quan tới lĩnh vực của đơn vị như: hợp tác toàn diện, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động y tế, giáo dục trên địa bàn; miễn cước đấu nối hoà mạng và giảm đến 50% cước MegaVNN sử dụng hàng tháng cho các tổ chức, tập thể và cá nhân hoạt động trong ngành Y tế ở địa phương; triển khai chương trình “Chung sức giảm nghèo” với các đơn vị khác qua việc hỗ trợ những người, gia đình có thu nhập thấp sử dụng dịch vụ viễn thông...
PV: Xin cảm ơn ông!
Chí Bằng (thực hiện)