CMC TS đón đoàn công tác Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông tới thăm và làm việc

14:26, 25/11/2020

Sáng 24/11/2020, Công ty CMC TS đã đón tiếp đoàn công tác Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông tới thăm và tìm hiểu về giải pháp chữ ký số CMC CA. Đoàn công tác có sự tham dự của Phó Giám đốc phụ trách đồng thời điều hành Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa và Phó Giám đốc Đặng Đình Trường.

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có chức năng quản lý các đơn vị cung cấp CA công cộng trong lĩnh giao dịch điện tử

Chia sẻ về giải pháp chữ ký số CMC CA, anh Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện CMC CIST cho biết: “Với chủ trương làm chủ công nghệ và các nền tảng quan trọng, Viện nghiên cứu Ứng dụng công nghệ của CMC làm chủ và xây dựng giải pháp chữ ký số từ đầu. Giải pháp chữ ký số của Tập đoàn Công nghệ CMC là một trong những phần mềm đầy đủ nhất, hỗ trợ đầy đủ các định dạng chuẩn quốc tế”. Chữ ký số CMC CA là một dạng chữ ký điện tử sử dụng hệ thống mật mã bất đối xứng (mật mã khóa công khai), để thay thế cho chữ ký trên các loại văn bản, tài liệu số.

Chữ ký số là giải pháp đang được chính phủ điện tử rất quan tâm. Tuy nhiên, do mô hình chữ ký số hiện nay là ký đơn nên gặp nhiều trở ngại trong một số quá trình ứng dụng như chưa thể ký ủy nhiệm, ký tập thể, ký mù, đó cũng chính là những đề xuất nghiên cứu phối hợp từ phía CMC với Trung tâm NEAC.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc phụ trách đồng thời điều hành Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, cũng giống như tầm nhìn của CMC, Trung tâm NEAC tin rằng việc định danh diện tử (eID) và chữ ký số sẽ thay thế định danh truyền thống trong tương lai. eiD giúp các giao diện điện tử được diễn ra rõ ràng, mang lại giá trị pháp lý rất lớn. Chính vì vậy, Trung tâm rất quan tâm tới những ý tưởng sáng tạo của CMC. Anh Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Giải pháp chứng thực chữ ký số nhìn với góc rộng chính là ngành mật mã hóa. Chữ ký số giúp đảm bảo văn bản không bị thay đổi và xác minh được người kí. Tương lai của chữ ký số không chỉ dừng ở việc chứng thực số mà còn là xác thực điện tử cũng như truy suất nguồn gốc, xác minh thông tin”.

Cũng thông qua buổi làm việc, đại diện CMC TS đã đưa ra những đề xuất giúp thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. CMC luôn sẵn sàng đồng hành cùng Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xã hội số theo đúng chiến lược số quốc gia.

Châu Anh (T/h)