Cốc Cốc chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là nền tảng số phục vụ người dân
Ngày 7/10/2022, Bộ TT&TT công bố “Nền tảng Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc” đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân. Đây là một trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Toàn cảnh Lễ công bố nền tảng Công cụ tìm kiếm và Trình duyệt Cốc Cốc đạt các tiêu chí để trở thành Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Hiện nay, Cốc Cốc đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm, có trên 28 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động. Khác với các sản phẩm công cụ tìm kiếm khác trên thế giới, nền tảng Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở Chromium và sử dụng giao diện thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Việt. Điểm nổi bật của trình duyệt web này là có khả năng tự động thêm dấu tiếng Việt tại bất kỳ vị trí nào trên Internet khi người dùng gõ văn bản không dấu.
Bên cạnh đó, khả năng hoạt động đa nền tảng trên các thiết bị máy tính, máy tính bảng và di động, tương thích với cả hệ điều hành Android và iOS giúp mang đến trải nghiệm tiện lợi cho người dùng. Do được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây nên các tính năng của sản phẩm được cập nhật miễn phí và nhanh chóng, quá trình cài đặt cũng đơn giản và dễ dàng cho người dùng.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng giám đốc Cốc Cốc cho hay, hiện cứ 3 người dân Việt Nam thì có 1 người dùng Cốc Cốc. Nền tảng của này được đưa ra dựa trên nhu cầu của người dân Việt Nam, nhưng rất cần sự quan tâm đồng hành của Chính phủ và Bộ TT&TT để có thể cung cấp dịch vụ này đến 70 triệu người dùng Internet trong nước.
Đại diện Bộ TT&TT cho hay, nền tảng này không chỉ cung cấp giải pháp mà còn đồng hành cùng Cục Chuyển đổi số Quốc gia để triển khai chương trình phổ cập kỹ năng số cộng đồng, giúp phổ cập kiến thức, giới thiệu và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm công nghệ Việt tiện ích trên khắp 63 tỉnh, thành phố; đồng thời chia sẻ nhiều nguồn tài nguyên tri thức cho cộng đồng nhằm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT coi việc phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân giống như các dịch vụ thiết yếu là điện và nước.
“Theo thống kê, thời gian trung bình mỗi người dân Việt Nam sử dụng 7 tiếng mỗi ngày trên môi trường số. Vì vậy, công cụ trình duyệt và tìm kiếm là công cụ không thể thiếu. Đây là nền tảng quan trọng với 70 triệu người dùng Internet Việt Nam, khi có nhu cầu kết nối với toàn cầu, nhưng cũng sẽ có những dịch vụ chỉ cần thiết cho người Việt Nam như dịch vụ công. Vì vậy, cỗ máy tìm kiếm toàn cầu sẽ không đáp ứng được yêu cầu này. Nên nền tảng tìm kiếm của Việt Nam sẽ không giống với nền tảng tìm kiếm trên toàn thế giới” Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, với 70 triệu người dùng Internet là dư địa rất lớn cho nền tảng tìm kiếm và trình duyệt Make in Vietnam. Tuy nhiên, Cốc Cốc phải có trách nhiệm lưu trữ và bảo vệ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
“Nền tảng tìm kiếm và trình duyệt Make in Vietnam không cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng xuyên biên giới mà sẽ đem lại giá trị phù hợp cho người Việt Nam. Đây phải là những sản phẩm tốt nhất để người dân Việt Nam sử dụng. Đây là việc khó nhưng là sứ mệnh vinh quang để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy vấn đề này. Bộ sẽ thúc đẩy tổ công nghệ số cộng đồng 53.000 thành viên đến tận thôn xóm để tư vấn cho người dân sử dụng các dịch vụ số”, Thứ trưởng chia sẻ.
Trả lời VietnamNet về vấn đề Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ, đồng hành với các nền tảng số Make in Vietnam thế nào? Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ có tiếng nói rõ ràng về mặt công nghệ là nền tảng này có tốt hay không tốt về mặt chuyên môn kỹ thuật; sẽ xác nhận đây có có phải là nền tảng Make in Vietnam hay không. Bên cạnh đó, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nền tảng số qua tổ công nghệ cộng đồng.
“Bộ TT&TT sẽ tìm sản phẩm, doanh nghiệp tốt và giúp họ mở rộng thị trường. Khi doanh nghiệp có sản phẩm tốt, Bộ TT&TT có mạng lưới truyền thông cơ sở để truyền thông về vấn đề này. Tôi cho rằng, không gian mạng là thế giới vô cùng vô tận và là hành trình dài, nên chúng ta phải đi cùng nhau. Vì vậy, Bộ TT&TT tập hợp doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc và có đông người dùng để đi cùng nhau. Đây cũng chính là động thái thúc đẩy doanh nghiệp ý thức với trách nhiệm quốc gia giải các bài toán xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
PV