Công nghệ thông tin sẽ trở thành ngành “hot” nhất trong 3 năm tới

06:52, 11/03/2021

Ngày 10/03, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2021. Theo đó, ngành Công nghệ thông tin được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tới.

Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021

Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2011. Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Theo bảng xếp hạng có một số công ty như: Công ty cổ phần An Tiến Industries, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại viễn thông, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Cán Thép Thái Trung, Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội, Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ nhựa pha lê, Công ty cổ phần Kosy, Công ty cổ phần CDC Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Austdoor...,

Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021. (Nguồn: Vietnam Report)

Đây là các doanh nghiệp năng động và tiêu biểu với những thành tích kinh doanh xuất sắc, “những ngôi sao đang lên”, vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, tích cực trong các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ và toàn dân đẩy lùi đại dịch, góp phần quảng bá thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay: Năm 2020, nhìn trên bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng dương với sự phục hồi nhanh chóng và đầy bứt phá hình chữ V, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà, với mức CAGR trung bình lớn nhất: 29,2%, trong khi con số này ở khối doanh nghiệp FDI là 24,95% và doanh nghiệp nhà nước là 23%.

Số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm tỉ lệ lớn nhất trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với tỉ lệ 83,2%, tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% vào ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021, Vietnam Report cũng khảo sát các doanh nghiệp FAST500, theo đó có 5 thách thức và rào cản tăng trưởng lớn của doanh nghiệp FAST500 trong năm 2020, gồm tình hình dịch bệnh khó lường; nhu cầu thị trường biến động; chi phí đầu vào tăng; bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới và thủ tục hành chính phức tạp.

Dù có nhiều đóng góp nhưng khối doanh nghiệp tư nhân cũng là nhóm dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19. Sau một năm bị tác động, nhiều doanh nghiệp đã thận trọng hơn, có đến 81,8% doanh nghiệp cho biết chiến lược ưu tiên đầu tiên là xây dựng hệ thống quản trị rủi ro và lên các kịch bản kinh doanh trong năm 2021.

Các doanh nghiệp FAST500 mong muốn trong năm nay Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế, tăng cường các gói hỗ trợ và giảm lãi suất tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn.

Khảo sát tháng 03/2021 nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: Vietnam Report)

Với tốc độ tăng trưởng dương năm 2020 bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam được coi là “ngôi sao sáng” của Châu Á, trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Các ngành có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung của Việt Nam trong năm qua có thể kể đến như: Thực phẩm – Đồ uống, Cơ khí, Xây dựng, Dược, Bán lẻ,... Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021 tiếp tục ghi nhận sự có mặt trong nhiều năm liên tiếp của ngành Thực phẩm – Đồ uống và Bán lẻ trong cơ cấu ngành nghề có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao.

Để tiếp tục phát huy vai trò lực đẩy của nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 của khu vực kinh tế năng động này, theo ông Vinh, nhà nước cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển.

Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp căn bản như: cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục điểm nghẽn hạ tầng, chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chiến lược ưu tiên, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID

Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp FAST500 nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên sự thành công của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một điểm nổi bật trong Top chiến lược ưu tiên năm nay là 54,5% doanh nghiệp cho biết sẽ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Cũng trong khảo sát mới đây kết quả đáng mừng là 83,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ hiểu rõ về viễn cảnh tương lai của ngành và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Như vậy, có thể thấy tại doanh nghiệp, các nhà quản trị - những người định hướng và quyết định sự thành công của tổ chức, đã quan tâm và chú trọng hơn đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hi vọng rằng trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ ứng dụng rộng rãi hơn nữa những công cụ hỗ trợ khác như Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Học máy (Machine learning), Ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR),…

Top 6 ưu tiên về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021. (Nguồn: Vietnam Report)

Bước sang năm 2021, Việt Nam chúng ta đang trên đà đi lên với những thành quả tích cực sau thời gian nỗ lực chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030. Thế giới đang không ngừng phát triển và tiến bộ, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Do vậy, để hướng tới những mục tiêu lớn nhằm thay đổi đất nước, chuyển đổi số được coi là yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bốn vấn đề chính trong chuyển đối số là: Thứ nhất, vấn đề làm chủ hạ tầng số; Thứ hai, vấn đề làm chủ các nền tảng số; Thứ ba, vấn đề làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp; Thứ tư, vấn đề làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Chuyển đổi số góp phần xây dựng xã hội số, thúc đẩy mạnh mẽ và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số có tác động rõ rệt và bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội và đối với doanh nghiệp, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, là “chìa khóa” giúp giải quyết nhiều “bài toán khó” trong quá trình quản lý và vận hành.

Công nghệ thông tin - truyền thông sẽ lên ngôi trong ba năm tới


Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 03/2021. (Nguồn: Vietnam Report)

Về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tiếp theo, Top 7 ngành được nhiều doanh nghiệp FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Công nghệ thông tin/Viễn thông; Công nghiệp sạch; Dược phẩm/Y tế; Vận tải/Logistics; Điện/Năng lượng; Bất động sản/Xây dựng; Nông nghiệp sạch. Điều này cũng thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, song song với đó là quan tâm và chú trọng vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (tiết kiệm vật tư - năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và rác thải).

Đặc biệt, ngành Công nghệ thông tin - truyền thông được đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất, và sẽ trở thành ngành "hot" nhất trong 3 năm tiếp theo. Bởi đa phần các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào an ninh mạng, các phần mềm quản lý nguồn lực và quản lý khách hàng, điện toán đám mây và dữ liệu lớn.

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/4/2021.

Thùy Dung