Cộng đồng Blockchain trong và ngoài nước kết nối phát triển
Ngày 29/7 tại TP.HCM cộng đồng Blockchain trong và ngoài nước đã gặp nhau tại sự kiện Blockchain Global Day 2022 để chia sẻ, giới thiệu… các sản phẩm, công nghệ, giải pháp… trong lĩnh vực Blockchain.
Blockchain Global Day 2022 được lấy chủ đề “Into the Infinity Con-Verse” (hòa vào thế giới chuyển đổi số không giới hạn). Các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực game và tài chính gồm: Aethr, Topebox, Football Battle, Puffgo, MetaDOS, Aspo World, Mineverse, Binance, CoinEx, XT.com, Pandora, Antpad, Realbox, M3TA, Sustainations DAO, GALL3RY, Sway Commerce, MoonLab, OpenliveNFT sẽ giới thiệu các sản phẩm, công nghệ Blockchain đến với người dùng Việt Nam.
Theo BTC sự kiện nhằm giúp phát triển nền công nghiệp Blockchain Việt, truyền cảm hứng, khuyến khích startup Việt Nam lớn mạnh trong đường đua Blockchain toàn cầu, giúp cộng đồng tiếp cận và hưởng lợi tối đa từ các ứng dụng công nghệ Blockchain mới nhất, từ đó tối ưu lợi ích của Blockchain với kinh tế - xã hội của đất nước.
Sự kiện cũng mang mục đích tháo gỡ những vấn đề cản trở sự phát triển của Blockchain, từ nhận thức cộng đồng, nhân lực chuyên môn đến nguồn vốn và cơ sở pháp lý. Theo đó, sự kiện sẽ tạo ra một “điểm chạm” kết nối tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực Blockchain để quảng bá các sản phẩm Blockchain trong đời sống hàng ngày, từng bước gỡ bỏ các định kiến và tái định vị hình ảnh Blockchain trong cộng đồng.
Bên cạnh đó còn tạo môi trường thuận tiện cho các doanh nghiệp trong nước giới thiệu sản phẩm, trao đổi với các chuyên gia công nghệ tiên tiến trên thế giới, qua đó phát triển kinh doanh, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao các tiêu chuẩn trong lĩnh vực Blockchain; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, kết nối với nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, nguồn nhân lực tương lai và dần có hành lang pháp lý hoàn thiện về Blockchain.
Tại sự kiện Top 5 dự án xuất sắc nhất trong cuộc thi Blockchain Global Pitching Contest tổ chức sẽ tham dự vòng chung kết trên sân khấu trung tâm. Các đại diện dự án sẽ trao đổi trực tiếp từ các Quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam và có cơ hội nhận giải thưởng đến 30.000 USD, kèm theo đó là gói bảo trợ truyền thông, tư vấn công nghệ và hỗ trợ pháp lý từ những chuyên gia đầu ngành.
Theo bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, COO của SPAC3SHIP, sự kết nối hợp tác là yêu cầu tiên quyết lúc này. Các cơ quan, quỹ đầu tư lẫn doanh nghiệp cần nhiều cơ hội để tiếp cận và tìm ra những đối tác phù hợp. Một khi cộng đồng gỡ bỏ những hoài nghi cuối cùng về tiềm năng của Blockchain, khi dự án tìm được nguồn lực cần thiết, chúng ta có cơ sở để tin rằng những dự án Blockchain Việt sẽ tạo nên điểm nhấn, thậm chí là những kỳ lân công nghệ tiếp theo trên thế giới.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), công nghệ chuỗi khối - Blockchain ngày càng chứng minh được tính ưu Việt và sẽ sớm trở thành công cụ phổ biến, xa hơn là một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào cuộc sống.
Các chuyên gia cho hay tiềm năng phát triển công nghệ Blockchain Việt rất lớn và nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào lĩnh vực này. FPT phát triển nền tảng akaChain để định danh khách hàng và truy xuất nguồn gốc giao dịch; BIDV, MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng công nghệ Blockchain trong các giao dịch tài chính; Viettel ứng dụng vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử, cùng nhiều doanh nghiệp khác đã tích hợp Blockchain như Masan Group, Bảo Việt, AIA.
Hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu TechSci Research đánh giá, các ngành công nghiệp chính của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giao thông vận tải và sản xuất, cũng được yêu cầu tích hợp Blockchain để phát triển. Dự kiến, giai đoạn 2023-2027, thị trường Blockchain Việt Nam sẽ tăng trưởng lên đến hai con số.
Tuy nhiên, kể cả khi thị trường đang rộng mở như vậy, ngoài một vài dự án nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… chưa nhiều ứng dụng Blockchain tại Việt Nam có thể vươn ra toàn cầu.
Lý do nằm ở những rào cản bấy lâu trong việc ứng dụng Blockchain tại Việt Nam. Đầu tiên là những điểm trừ trong nhận thức về công nghệ này. Vẫn còn nhiều người, nhiều cơ quan, doanh nghiệp Việt nghĩ Blockchain chỉ dùng để phục vụ lĩnh vực tài chính mà không thấy tiềm năng của công nghệ này trong thương mại, quản trị và cả năng suất doanh nghiệp.
Một số khác thì cho rằng đây là công nghệ rất cao siêu nên không dám nghĩ đến chuyện tích hợp. Do đó, tiềm năng từ Blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… vẫn chưa được ứng dụng nhiều dù chúng đem lại hiệu quả kinh tế và quản lý xã hội rất lớn.
Vấn đề thứ hai nằm ở nhân lực và tài chính. Nguồn lực để phát triển một ứng dụng Blockchain cao gấp 4-5 lần so với sản phẩm công nghệ truyền thống, việc tìm kiếm lực lượng lập trình viên Blockchain thành thạo giống như mò kim đáy bể.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về Blockchain ở Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ. Những rào cản này khiến không ít công ty khởi nghiệp trong nước đã chọn giải pháp đặt văn phòng đại diện tại nước khác để hoạt động và gọi vốn thuận tiện hơn.
PV