Công nghệ gọi có hình - giải pháp dọn sim ''rác''
Từ ngày 1-6-2021, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động triển khai giải pháp công nghệ video call (cuộc gọi có hình) để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Đây được coi là một trong những giải pháp quyết liệt ngăn chặn sim “rác” trên thị trường hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone ký nội dung bổ sung kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý sim “rác”.
Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhà mạng hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Tuy nhiên, việc giao quyền kích hoạt sim mới cho các đại lý, điểm ủy quyền lại tiềm ẩn rủi ro. Để không xảy ra tình trạng “quýt làm cam chịu”, các nhà cung cấp dịch vụ di động cùng thống nhất chỉ cho phép chính nhân viên của mình được kích hoạt thuê bao mới.
Đặc biệt, để bảo đảm độ chính xác, các nhà mạng thống nhất tăng cường hơn nữa việc kiểm soát khâu kích hoạt thuê bao thông qua mô hình 2 lớp. Đó là, cùng với thủ tục đăng ký thông tin thuê bao, có nhận diện khách hàng bằng công nghệ định danh, xác thực eKYC; bộ phận chịu trách nhiệm kích hoạt sẽ thực hiện cuộc gọi video call để giám sát lại hoạt động đăng ký thông tin thuê bao này. Việc sử dụng video call vừa không để xảy ra sai sót, vừa bảo đảm quyền lợi của chính khách hàng, giải quyết tình trạng sim kích hoạt sẵn.
Thông tin về triển khai video call, ông Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành, Khối khách hàng cá nhân thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, để ngăn chặn hiện tượng mua sim sử dụng sai mục đích, các nhà mạng đã thống nhất phải quản lý chặt hoạt động kích hoạt sim mới. Theo đó, có 2 phương án được đặt ra, một là chỉ cho phép kích hoạt sim mới tại cửa hàng trực tiếp của nhà mạng; hai là cho phép tiếp nhận mua sim tại tất cả điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc, nhưng phê duyệt kích hoạt sim chỉ do nhân viên nhà mạng thực hiện và sử dụng cuộc gọi có hình ảnh để xác thực khách hàng chính chủ mua sim.
“Chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất chọn phương án 2 như nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu mua sim mới sử dụng thực và cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Vì vậy, nhà mạng phải điều chỉnh quy trình tách biệt thành 2 khâu tiếp nhận và xét duyệt. Trong đó, khâu tiếp nhận có thể thực hiện tại nhà khách hàng thông qua nhân viên bán hàng hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ ủy quyền. Khâu xét duyệt sẽ do nhân viên nhà mạng thực hiện cuộc gọi video call tới khách hàng...”, ông Lê Tuấn Anh thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Ban Khách hàng cá nhân thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone), sau 15 ngày triển khai, đã có hàng nghìn thuê bao di động phát triển mới có đăng ký qua video call. Đây là cơ sở để VinaPhone đánh giá về tính hiệu quả, đề xuất lộ trình triển khai trong giai đoạn sau thử nghiệm.
Nói về kết quả thực hiện, ông Lê Tuấn Anh cho biết, Viettel đã đi đầu triển khai áp dụng công nghệ video call từ tháng 7-2020. Đến nay, Viettel đã áp dụng cho 40% các điểm tiếp nhận cung cấp dịch vụ viễn thông. Để lưu trữ lại cuộc gọi ghi hình, Viettel thực hiện bằng cách chụp lại một số hình ảnh có hiện diện của khách hàng và nhân viên xét duyệt của nhà mạng.
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II-2021 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ nhất xử lý triệt để sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong năm 2021. Các biện pháp này nhằm bảo đảm số điện thoại di động sẽ được sử dụng làm định danh số, định danh người dùng trên các nền tảng xã hội, thanh toán Mobile Money…
Theo/hanoimoi.com.vn