Các quốc gia đã sử dụng công nghệ góp phần đẩy lùi Covid-19 như thế nào?
Nhiều nước trên thế giới có những cách tương đối giống nhau trong ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy lùi đại dịch Covid-19.
- Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu tăng mạnh trong đại dịch Covid
- Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu tăng mạnh trong đại dịch Covid
- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các LLVT trong tỉnh phòng, chống dịch
- Vĩnh Phúc: 33 ca dương tính, 38 trường hợp nghi ngờ, 192 ca chờ kết quả xét nghiệm
- Ong được huấn luyện để phát hiện Covid-19 trong vòng vài giây
Trung Quốc khoanh vùng dập dịch thần tốc nhờ công nghệ
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, xây dựng bệnh viện dã chiến một cách thần tốc.
Nhưng đó chỉ là bề nổi, ở một phương diện khác Trung Quốc ứng dụng rất mạnh công nghệ để giám sát, khoanh vùng và cách ly người dân trong thành phố, giữa các tỉnh lân cận. Tất cả là nhờ hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu dùng giám sát vận tải hàng hóa, phân luồng giao thông.
Trung Quốc cũng sử dụng vệ tinh để theo dõi tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến, trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và biểu đồ hóa khu vực lây nhiễm.
Trung Quốc sớm kiểm soát và cách ly vùng dịch nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại tâm dịch Vũ Hán khi đó, Trung Quốc đã ứng dụng robot kết nối 5G cung cấp thuốc men, đồ ăn cho bệnh nhân mà không phải tiếp xúc gần với y bác sĩ. Bên ngoài, những chiếc xe tự hành di chuyển khắp đường phố giao nhu yếu phẩm, vật tư y tế.
Ngoài ra, với những khu vực đặc biệt nguy hiểm, drone điều khiển từ xa được trang bị để phun thuốc khử khuẩn, cung cấp thuốc, chuyển mẫu xét nghiệm. Drone còn được cảnh sát địa phương sử dụng để liên tục phát đi cảnh báo nhắc nhở người dân đeo khẩu trang cũng như không ra khỏi nhà.
Khi Covid-19 lây lan rộng hơn, các công ty như Alibaba và Tencent đã phối hợp với chính phủ Trung Quốc xây dựng hệ thống đánh giá sức khỏe toàn dân gắn với smartphone. Chỉ những người có trạng thái sức khỏe xanh mới được phép di chuyển đến những nơi công cộng, đi qua các trạm kiểm soát QR.
Sau tất cả, Trung Quốc có một hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đặt ở mọi nơi. Kết hợp với dữ liệu lớn, máy học nhằm phân tích lịch trình di chuyển, thân nhiệt, số người tiếp xúc, Trung Quốc có thể dễ dàng phân vùng và cô lập F1, F2, F3 ngay khi phát hiện ca F0.
Nhờ đó, Trung Quốc đã kiểm soát thành công Covid-19 trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phương Tây, loay hoay tìm cách ứng phó.
Mỹ dùng siêu máy tính để phân tích chủng virus
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, Hoa Kỳ rất biết tận dụng vị thế siêu cường công nghệ của mình để đi tắt đón đầu trong việc chế tạo vắc-xin ngừa virus.
Nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, Nhà Trắng đã có được sự trợ giúp của những gã khổng lồ công nghệ trong việc cung cấp những thiết bị tối tân nhất đáp ứng cho việc phân lập mẫu virus, kể cả những biến thể mới của Covid-19, trong thời gian ngắn nhất.
Với mỗi biến thể có thể có tới 30.000 DNA gốc, bộ công cụ miễn phí của Nvidia có khả năng giải trình tự gen DNA và RNA nhanh hơn 35 - 50 lần so với truyền thống. Một ông lớn khác là Google sử dụng chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaFold để dự đoán cấu trúc protein và chuyển giao kết quả này cho các trường đại học, viện nghiên cứu.
Mỹ tận dụng lợi thế siêu cường công nghệ để đẩy nhanh quá trình giải trình tự gen, tiến tới sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.
Siêu máy tính Mỹ có sự đóng góp của 43 công ty trong đó có IBM, Intel, Microsoft với sức mạnh xử lý của 6,8 triệu CPU và 50.000 GPU đã giúp hoàn thành gần 100 dự án nghiên cứu về Covid-19. Nhờ đó, Mỹ đi đầu trong việc cấp phép ba loại vắc-xin với hàng chục loại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2.
Khi dịch bệnh lây lan mạnh hơn, Microsoft mau chóng triển khai nền tảng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe miễn phí trên đám mây Azure. Nền tảng này đóng vai trò như một trợ lý ảo thông minh hỗ trợ bác sĩ trong việc quản lý, thăm khám và sàng lọc bệnh nhân Covid-19.
HP, công ty chuyên sản xuất máy tính và máy in, cũng sử dụng các máy in 3D của mình để sản xuất những bộ công cụ phòng chống dịch như chốt mở cửa không dùng tay, mặt nạ, khẩu trang...
Khi việc tiêm vắc-xin được triển khai rộng khắp, Microsoft và Oracle cùng các tổ chức bắt tay nhau xây dựng hộ chiếu vắc-xin điện tử, giúp truy cập và xác thực tình trạng tiêm vắc-xin chỉ thông qua một cú quét mã QR.
Công nghệ là chìa khóa
Sau Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới học hỏi cách thức chống dịch của đại lục. Đó là hệ thống bản đồ dịch thời gian thực của Google, Facebook ở Mỹ trước tiên.
Các nước như Hàn Quốc, Anh hay Israel cũng sớm thảo luận để đưa vào hệ thống theo dấu người dân.
Anh và các nước phương Tây đã ứng dụng triệt để QR Code trong truy vết người nhiễm Covid-19.
Như tại Vương quốc Anh (gồm Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland), Dịch vụ y tế quốc gia NHS đóng vai trò cơ sở dữ liệu chung cho toàn bộ người dân trong khối. Tất cả các địa điểm kinh doanh muốn mở cửa đều phải dán poster chứa mã QR để thu thập thông tin khách hàng trong ít nhất 21 ngày.
Tại các nước gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin như Ấn Độ hay Brazil, có thể thấy số ca nhiễm mới vẫn đang ở mức kỷ lục với tổng số ca nhiễm lần lượt là 21,9 triệu và 15,1 triệu ca.
Cùng với những biến chủng mới của Covid-19, thế giới đang phải bước vào một giai đoạn mới của việc phòng chống căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra. Đã đến lúc cần có sự ứng dụng rất cao của công nghệ nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường.
Theo/vietnamnet.vn