Công nghệ phòng chống Covid-19 nổi bật năm 2021
Năm 2021 Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống dịch Covid-19. Mục tiêu sản xuất nhanh thuốc điều trị hay ứng dụng AI trong trạng thái "bình thường mới" cho thấy một năm đầy sôi động của khoa học - công nghệ Việt Nam.
Dưới đây là những dấu ấn khoa học - công nghệ nổi bật của Việt Nam trong năm 2021.
1. Nghiên cứu thành công phương pháp mới tổng hợp thuốc điều trị SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm
Vào tháng 6/2021, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông báo đã tiến hành nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị SARS-CoV-2. Theo đó, Viện Hóa học nghiên cứu thành công phương pháp mới, hiệu quả tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu chế phẩm điều trị nCoV tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được Italy, Nhật Bản, Nga và một số quốc gia khác chấp thuận sử dụng.
2. Thống nhất ứng dụng phòng chống dịch Covid-19
Ứng dụng Phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (PC- Covid) chính thức ra mắt trên hệ thống kho ứng dụng Apple Store và Google Play từ ngày 30/9/2021. Ứng dụng này sẽ đồng bộ dữ liệu với hệ thống quản lý tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19 để người dân tra cứu.
PC-Covid được chọn là ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 duy nhất tại Việt Nam, sau hơn một năm "loạn" ứng dụng.
Vào ngày 13/11/2021, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cho biết, Bộ Y tế, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã thống nhất PC-Covid là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, trong gần 2 năm, Việt Nam có hơn 10 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch như Bluezone, VHD, Ncovi, VNeID...
3. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống đại dịch Covid-19
Trong năm 2021, Việt Nam ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình hóa hiện trạng dịch bệnh để đánh giá rủi ro, phát hiện các cụm dịch tiềm năng...
AI còn hỗ trợ việc truy vết người tiếp xúc, đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Khi số lượng ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng cao, sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
Robot Vibot được nâng cấp và đưa vào ứng dụng chống dịch tại Hà Nam, TPHCM.
Thêm nữa, AI cũng hiện hữu ngay trong các khu cách ly, bệnh viện với robot tự động giúp khử khuẩn, giao hàng, đưa thuốc cho người bệnh... Vào ngày 8/8/2021, lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội.
Theo đó, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.
4. VinBigdata công bố hoàn tất Giải mã 1.000 hệ gene người Việt
Ngày 16/12/2021, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData (Tập đoàn Vingroup) công bố đã hoàn thiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt”.
Với quy mô hơn 1.000 hệ gene được giải trình tự, hơn 40 triệu biến thể di truyền được phát hiện, nghiên cứu không chỉ mở ra bộ cơ sở dữ liệu quý cho cộng đồng mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển của nghiên cứu y sinh và y học chính xác, góp phần cảnh báo điều trị sớm đến từng cá nhân người Việt trong tương lai.
Đây là bộ dữ liệu toàn hệ gene người Việt đầu tiên đảm bảo tính đại diện và phổ quát cho quần thể, phù hợp với phân bố dân cư về địa lý (miền Bắc: 37%; miền Trung 22%; miền Nam: 41%) và giới tính (cân bằng tỷ lệ nam nữ). Đặc biệt, bộ dữ liệu gene có đầy đủ chú giải về chức năng sinh học cũng như nguy cơ bệnh lý.
5. VinFast ra mắt các mẫu xe điện đình đám
6h30 phút sáng 18/11/2021 theo giờ Việt Nam, VinFast đã chính thức giới thiệu hai mẫu xe điện SUV VinFast VF e35 và VinFast VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles, Mỹ (Los Angeles Auto Show 2021).
VinFast giới thiệu hai mẫu xe điện SUV VinFast VF e35 và VinFast VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles, Mỹ.
07h00 sáng 6/1/2022 theo giờ Việt Nam, tại sự kiện VinFast Global EV Day, trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022, Las Vegas (Mỹ), cùng với kế hoạch trở thành hãng xe thuần điện, VinFast cũng chính thức công bố dải SUV điện hoàn chỉnh. Trong đó, 3 mẫu xe lần đầu tiên ra mắt thuộc phân khúc A-B-C là VF 5 (phân khúc A), VF 6 (phân khúc B) và VF 7 (phân khúc C). 2 mẫu còn lại thuộc phân khúc D và E là VF e35 và VF e36 (từng được giới thiệu tại Los Angeles Auto Show 2021) cũng được đổi tên thành VF 8 và VF 9.
Những sự kiện này của VinFast tại thị trường Mỹ đã đánh dấu bước ngoặt, đưa nền công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam vươn ra thế giới.
6. Xu hướng NFT và vũ trụ ảo bùng nổ tại Việt Nam
Từ đầu năm 2021, NFT - chứng chỉ số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm - bỗng trở thành cơn sốt "dữ dội", xuất hiện tràn ngập trên Internet.
Không nằm ngoài xu hướng, NFT cũng phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ Việt bắt đầu tham gia các sàn quốc tế và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Hồi tháng 7, bức tranh "Hoa mai may mắn" gắn mã NFT của nghệ sĩ trẻ Xèo Chu được bán với giá gần 23.000USD (giá trị quy đổi). Dù còn nhiều tranh cãi về giá trị thật, các chuyên gia tin rằng NFT sẽ là công nghệ quan trọng của tương lai và khi thị trường ổn định, xu hướng này có thể tạo ra một nền kinh tế hoàn toàn mới.
Chân Dung CEO Trung Nguyên của Sky Mavis với tựa game Axie Infinity.
Tại Việt Nam, điển hình cho xu hướng metaverse là Axie Infinity - game blockchain đắt giá nhất thế giới. Đầu tháng 12, một startup về metaverse của Việt Nam cũng gọi vốn thành công 25 triệu USD để xây dựng nền tảng vũ trụ mở. Giới phân tích dự đoán, với tốc độ phát triển hiện tại, Việt Nam có thể trở thành thủ phủ của game thế hệ mới, bắt kịp làn sóng metaverse đang bùng nổ.
Theo doisong.trithuccuocsong.vn