Công nghệ sản xuất giống nâng giá trị rừng kinh tế

11:04, 22/07/2021

Khai thác lợi thế về kinh tế rừng, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức triển khai dự án, đề tài ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất giống cây lâm nghiệp. Có giống tốt, chất lượng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của người trồng rừng tăng.

Năng suất tăng, giảm sức lao động

Anh Nguyễn Văn Bắc chăm sóc keo trồng bằng bầu hữu cơ.

Anh Nguyễn Văn Bắc chăm sóc keo trồng bằng bầu hữu cơ.

Đầu năm 2019, gia đình anh Nguyễn Văn Bắc (SN 1982) ở thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) trồng rừng bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ từ Đề án nghiên cứu sản xuất giá thể bầu hữu cơ trong nhân giống cây keo, bạch đàn của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Sau 3 năm trồng giống keo BV10 sản xuất bằng bầu hữu cơ, cây trồng có tỷ lệ sống hơn 95%, sinh trưởng vượt trội, nhanh khép tán so với diện tích đối chứng.

Theo lời anh Bắc, nếu trồng bằng bầu đất, người trồng rừng phải tốn nhiều công để vận chuyển cây giống từ chân lô lên điểm trồng (trọng lượng bầu hữu cơ bằng 1/5 so với bầu đất) cũng như công bóc vỏ bầu thì nay hạn chế này đã được khắc phục. Đặc biệt do bầu hữu cơ có khả năng thoát nước, thoát khí nên tăng độ thoáng khí cho rễ cây sinh trưởng, rút ngắn giai đoạn cây con và năng suất trồng rừng cao. 

“Sử dụng giống được ương từ giá thể bầu hữu cơ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao, chất lượng ổn định góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng. Do vỏ bầu tự phân hủy sau một thời gian trồng nên tăng độ màu mỡ cho đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, anh Bắc chia sẻ.

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 160 nghìn ha rừng và đang tiếp tục tăng khi mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng mới 7-9 nghìn ha rừng và luôn hoàn thành vượt mức. Để tăng năng suất, giá trị kinh tế từ trồng rừng, những năm gần đây, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các cá nhân, tổ chức vào địa bàn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, trong đó nhiều đề tài, dự án phát huy tốt hiệu quả. 

Ví như dự án ứng dụng KH&CN trong tạo giống, trồng thâm canh rừng kinh tế bằng giống keo tai tượng Pongaki của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ. Qua trồng thử nghiệm 40 ha tại huyện Yên Thế và Lục Nam, giống keo này có tốc độ sinh trưởng vượt hơn 25% so với giống đại trà, không sử dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp tại địa phương. Tương tự, dự án nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống bạch đàn lai UG24 và UG54 tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), Lục Sơn (Lục Nam) và Hồng Kỳ (Yên Thế) của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng phát huy hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Giống bạch đàn lai UG24, UG54 có chất lượng đạt và vượt so với các giống trồng rừng thông thường, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Với 7-9 nghìn ha rừng trồng mới hàng năm, việc lựa chọn được giống tốt và năng suất cao hơn so với giống cũ từ 20-30% sẽ tăng thêm thu nhập cho người trồng rừng”.

Quan tâm nhân rộng

Nắm bắt được nhu cầu của người trồng rừng, các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp tích cực tìm hiểu, đưa các giống mới, kỹ thuật mới vào gieo, ươm. Ghi nhận tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Toản Nam ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) cho thấy, để có những giống cây tốt, hiện công ty đã chuyển đổi sang ươm giống bằng hình thức cấy mô thay thế cho phương thức giâm hom truyền thống. 

Mặc dù giá thành cao hơn song giống cấy mô có ưu điểm là sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, chu kỳ khai thác ngắn, hiệu quả cao hơn. Tương tự, từ chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam cũng làm chủ được công nghệ sản xuất giá thể bầu hữu cơ đối với giống bạch đàn và keo. 

Ông Nguyễn Văn Kiêm, Giám đốc Công ty nói: “Ứng dụng KH&CN trong sản xuất giống cây lâm nghiệp góp phần mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, nguồn thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển”.

Thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, trồng rừng kinh tế tại các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn, chủ yếu là bạch đàn, keo. Mặc dù việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cây lâm nghiệp những năm qua đã được tăng cường song trên thực tế giá trị sản xuất lâm nghiệp chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. 

Cùng đó, do phong tục tập quán nên người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngại tiếp cận với công nghệ mới dẫn đến việc nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật của các dự án gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Vài năm gần đây, hầu như năm nào tỉnh cũng phê duyệt nhiệm vụ KH&CN liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Để các dự án phát huy hiệu quả, khi thẩm định chúng tôi luôn coi trọng yếu tố chuyển giao để nhân rộng. Quá trình triển khai, Sở thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện".

Theo/baobacgiang.com.vn