Cổng thông tin Pháp – Việt chính thức được khai trương
Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức họp báo khai trương Cổng thông tin Pháp - Việt với tên "Thư viện Hoa Phượng Vĩ".
- Tìm hiểu luật pháp Việt Nam trên VnLawFind
- Bộ TT&TT ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả
- Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội khai trương cổng thông tin dịch vụ việc làm
- Khai trương Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do
- Sẽ có cổng thông tin điện tử hỗ trợ kê khai, nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Cổng thông tin Thư viện số Hoa Phượng Vĩ là thành quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam trong suốt hai năm qua, nhằm tái hiện những mối tương tác về văn hóa, lịch sử, thuộc địa hóa và khoa học giữa hai đất nước từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
Phát biểu tại buổi họp báo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết: Bộ sưu tập về Việt Nam thời kỳ thuộc địa có quy mô lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Thư viện Quốc gia Pháp, cùng với bộ sưu tập tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, gồm gần chục nghìn tài liệu lưu chiểu thời kỳ Đông Dương, từ năm 1922 đến năm 1954 đã lần đầu tiên được số hóa.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery (ngồi giữa) phát biểu tại buổi họp báo.
Thư viện số Hoa Phượng Vĩ có thể truy cập bằng tiếng Pháp và tiếng Việt tại địa chỉ: https://heritage.bnf.fr/france-vietnam. Thư viện với hơn 2000 tài liệu tiêu biểu, từ các bộ sưu tập của hai thư viện quốc gia và các đối tác đã tái hiện lại những mối tương tác về văn hóa, lịch sử, thuộc địa hóa và khoa học giữa hai đất nước từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
Thư viện số Pháp – Việt Nam bao gồm nhiều hình thức tư liệu: bản in, bản viết tay, bản đồ, tranh vẽ, ảnh và được chia thành 8 mục chính: "Lưu chuyển", "Truyền thống", "Tư tưởng và tâm linh", "Văn học", "Chuyển giao văn hóa", "Các triều đại và chính quyền", "Khoa học và xã hội", "Đời sống kinh tế". Mỗi thư mục chủ đề lớn này lại chia thành các tiểu mục để người đọc tiện lợi tra cứu. Trong đó, có nhiều tài liệu quý như bản ghi âm hát chèo cổ, bộ sưu tập nền nông nghiệp Việt Nam, cuốn "Kim Vân Kiều",...
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery (giữa) cùng Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga (thứ tư từ phải qua) chụp ảnh cùng các đối tác.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cũng bày tỏ niềm vui và niềm vinh hạnh khi được hợp tác với Thư viện Quốc gia Pháp để thực hiện dự án chung về Thư viện Hoa Phượng Vỹ Pháp – Việt.
Cũng theo bà Kiều Thúy Nga, trong tổng số hơn 2.000 tài liệu được đăng tải trên cổng thông tin, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đóng góp khoảng 1.157 tài liệu số. Nhiều tư liệu trong số này chủ yếu tập trung vào các tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.
Ngoài các tài liệu gốc, tại cổng thông tin Pháp – Việt còn có thêm 19 bài giới thiệu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý thư viện của Việt Nam và Pháp để giúp độc giả hiểu rõ hơn bối cảnh của các tài liệu có trong thư viện số.
PV (T/h)