Sẽ có cổng thông tin điện tử hỗ trợ kê khai, nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Tại buổi họp tổng kết thực tiễn công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết sắp tới đây, sẽ có công thông tin điện tử riêng hỗ trợ kê khai, nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Chính sách thuế - Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT.
Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế: Giá trị gia tăng (GTGT), Thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Thu nhậ cá nhân (TNCN); Và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể đối với DN có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên thì kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất tương ứng với từng loại hàng hoá, dịch vụ quy định tại Luật thuế GTGT; nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai (theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).
Đối với DN có doanh thu hàng năm không quá 1 tỷ đồng thì nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (với tỷ lệ % tương ứng với từng hoạt động quy định tại Luật thuế GTGT).
Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập từ hoạt động TMĐT tại Việt Nam và không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp; hoặc nhà thầu nước ngoài có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN nếu có phát sinh doanh từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên.
Về nguyên tắc khai, tính thuế, Luật Quản lý thuế số 38 cũng quy định rõ: đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Mặc dù chính sách về quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT đã có, song lãnh đạo một số Vụ chức năng của Tổng cục Thuế phản ánh, hiện chưa có quy định cụ thể về chính sách và quản lý thuế đối với các đối tượng đặc thù, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc xác định thuế suất, hình thức khai thuế và trách nhiệm của các công ty đối tác và nhà cung cấp trên nền tảng trực tuyến nước ngoài.
Đơn cử như Google có 5 công ty đối tác tại Việt Nam làm nhiệm vụ quản lý các kênh Youtube tự sản xuất nội dung số để kiếm tiền tại Việt Nam. Các công ty này sẽ nhận tiền quảng cáo, chuyển cho Google và nhận hoa hồng. Tuy nhiên các công ty đối tác chỉ có thể khai thay, nộp thay nếu có quy định cụ thể về chính sách thuế. Chính vì vậy các đơn vị này kiến nghị cơ quan thuế (CQT) cần có quy định hướng dẫn cụ thể để các công ty đối tác trong mọi trường hợp sẽ khấu trừ thuế trước khi trả cho chủ kênh.
Tương tự trường hợp của Gooogle, ở Việt Nam hiện có nhiều cá nhân sản xuất công cụ trực tuyến, ứng dụng số cung cấp trên kho ứng dụng của Apple store có phát sinh thu nhập do khách hàng truy cập và tải ứng dụng về sử dụng có thu phí hoặc miễn phí chỉ nhận tiền quảng cáo, theo phản ánh phía Apple có đề nghị CQT ủy quyền khấu trừ nộp thuế cho cá nhân theo một tỷ lệ cố định.
Lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng: quản lý thuế đối với TMĐT là nội dung khó.
Do đó, để hỗ trợ DN thực hiện tốt việc kê khai nộp thuế đối với TMĐT, Vụ Kê khai cần phối hợp với cục Công nghệ thông tin, Vụ Quản lý thuế DN lớn, Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ cá nhân kinh doanh xây dựng công thông tin điện tử riêng hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động TMĐT, đồng thời phải có phiên bản tiếng Anh.
Tổng cục trưởng cũng đề nghị các đơn vị chức năng cần làm việc với Bộ Thông tin truyền thông để cung cấp dịch vụ chữ ký số cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch xuyên biên giới.
Ngoài ra, các vụ, đơn vị cần nghiên cứu quản lý những đơn vị vừa cung cấp dịch vụ, vừa bán hàng quan biên giới như Amazon, các hộ cá nhân bán hàng trực tiếp qua mạng. Bên cạnh đó, ngành thuế cần mời các đơn vị có liên quan đến làm việc hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế.
Để có cơ sở tính thuế sát với thực tế phát sinh, Tổng cục trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần nghiên cứu cơ chế mua cơ sở dữ liệu từ nước ngoài và chia sẻ dữ liệu với các cục Thuế.
Đặc biệt, CQT cần tăng cường phối hợp với NHTM cung cấp thông tin, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các giao dịch TMĐT.
Minh Thùy (T/h)