Công ty mẹ của Google lên kế hoạch đem Internet tốc độ cao đến các nước đang phát triển thông qua chùm ánh sáng hồng ngoại
Phát minh mới nhất từ X – một cơ sở nghiên cứu và phát triển của Alphabet (công ty mẹ của Google) – là những tòa tháp khổng lồ sử dụng ánh sáng để gửi dữ liệu, giống như cáp quang nhưng không cần sử dụng đến cáp.
Thế giới vẫn còn một chặng đường dài để đạt tới kết nối toàn cầu: Hơn 3 tỷ người không có quyền truy cập Internet. Ở những vùng sâu vùng xa và đặc biệt là những nơi có địa hình hiểm trở, thách thức nằm ở chi phí cơ sở hạ tầng do việc lắp đặt một mạng lưới cáp quang rất khó khăn và tốn kém.
Hiện hãng X đang thử nghiệm một cách tiếp cận tới Internet mới ở Ấn Độ và Châu Phi bằng cách sử dụng chùm ánh sáng vô hình để gửi dữ liệu ở khoảng cách lớn mà không cần dây cáp.
Dự án Taara, tên gọi trước đây là FSOC (free space optical communication, tạm dịch là truyền thông sợi quang trong không gian miễn phí), gần đây đã thông báo rằng họ sẽ làm việc với các đối tác ở Kenya để bắt đầu triển khai công nghệ mới này nhằm mang lại khả năng truy cập internet nhanh chóng, giá cả phải chăng đến một số khu vực mà các lựa chọn khác không khả thi.
Tương tự như mạng cáp quang, mạng này cũng sử dụng ánh sáng để truyền dữ liệu. Nhưng nó hoạt động trong không khí thay vì trong dây cáp. Những chiếc hộp nhỏ được trang bị công nghệ điện, truyền thông, và quang học đặt ở độ cao so với mặt đất, phát ra chùm ánh sáng hồng ngoại với đường kính của một chiếc đũa đến thiết bị khác xa tối đa khoảng 19 km, tạo ra một khu vực kết nối không dây mới. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt các dự án thử nghiệm, bao gồm cả một vùng xa xôi ở Ấn Độ.
Chùm tia hồng ngoại sẽ không thể hoạt động nếu nó bị gián đoạn, đó là lý do tại sao các thiết bị đầu cuối được đặt ở trên cao; nếu một con chim bay qua chùm tia này, hệ thống sẽ phát hiện nó và gửi lại dữ liệu. Công ty X nói rằng chùm ánh sáng an toàn cho da và mắt, không gây hại cho động vật hoang dã.
Hệ thống mạng của công ty X cũng có những thách thức khác. Khói, bụi, mưa và các điều kiện thời tiết khác có thể ảnh hưởng đến tín hiệu vì nó không được bảo vệ bằng cáp. Nhưng nhóm nghiên cứu đã bắt đầu làm việc với công nghệ này từ năm 2013: Họ thử nghiệm các cách gửi dữ liệu trong Dự án Loon, một dự án khác của công ty X, muốn mang lại quyền truy cập Internet cho các nước đang phát triển bằng cách sử dụng bóng bay. Do dó, họ đã dành nhiều năm để tìm cách tạo ra kết nối đủ mạnh, đảm bảo độ tin cậy.
Mặc dù sử dụng công nghệ này ở những nơi có các lựa chọn khác có lẽ không phải là một phương án hợp lý, nhưng ở một số nơi, nó có thể giúp đưa người dùng truy cập vào các dịch vụ trực tuyến như y tế từ xa, trợ giúp nông nghiệp cho nông dân và học tập trực tuyến.
Thùy Chi (T/h)