Cung thể thao Tiên Sơn được "hô biến" thành Bệnh viện dã chiến chỉ trong 3,5 ngày

Thùy Dung 06:31, 06/08/2020

Hơn 500 kỹ sư, cán bộ, công nhân Sun Group tình nguyện từ Bà Nà Hills, công viên châu Á cùng các nhà thầu khác đã trắng đêm không nghỉ để hoàn thành Bệnh viện dã chiến chỉ trong 3,5 ngày (sớm hơn 2,5 ngày so với dự kiến).

Chiều ngày 5/8, sau buổi rà soát hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tiến hành bởi đại diện Bộ Y tế, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, đại diện các cơ quan chức năng của thành phố, Bệnh viện Dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) đã chính thức được Tập đoàn Sun Group bàn giao cho UBND Thành phố Đà Nẵng để đưa vào vận hành, tiếp nhận bệnh nhân.

Để hoàn thành Bệnh viện dã chiến một cách thần tốc như vậy là nhờ các nhà thầu cùng với 500 kỹ sư, cán bộ, công nhân Sun Group đã làm không ngừng nghỉ. Tất cả đều hoạt động hết công suất với hi vọng "thành phố sớm vượt qua cơn bão dịch bệnh".

Các nhân viên thi công hối hả hoàn thành tiến độ.

Được lắp ráp bằng các vật liệu nhẹ, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn có thiết kế đạt các tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu của Bộ Y tế như: Khoảng cách an toàn cho cách ly bệnh truyền nhiễm; Thông gió tự nhiên; Tổ chức mặt bằng và phân luồng đi để tránh lây nhiễm chéo; Lắp đặt biển chỉ dẫn chi tiết đến từng buồng bệnh. 

Về phương án hoạt động, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sẽ được sử dụng tùy theo tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp số bệnh nhân Covid-19 bùng phát, nơi đây sẽ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh. Nếu số bệnh nhân vẫn được kiểm soát, các bệnh viện trong thành phố vẫn đủ khả năng thu dung, điều trị..., Bệnh viện dã chiến sẽ làm nơi tiếp nhận, cách ly, theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần (F1) trong thời gian 14 ngày. 

Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ định Phó giám đốc Trần Thanh Thuỷ làm Giám đốc cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến, phụ trách về hậu cần, tổ chức. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng sẽ có một Phó giám đốc phụ trách về chuyên môn.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện.

Đây được xem là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng với hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến.

Theo thiết kế, các khu vực hành lang tầng 2, 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân nhẹ, dự kiến tầng 2 sẽ bố trí khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường. Khu vực tầng 4 sẽ trở thành chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho y – bác sĩ điều trị.

Tuy nhiên, nhằm ứng phó trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh 2.400m² mặt sàn thi đấu tầng 1 của Cung Tiên Sơn đã được lắp đặt 142 buồng bệnh, mỗi buồng 2 giường, có thể tiếp nhận 284 bệnh nhân. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, bệnh viện sẽ được tăng cường số buồng, giường với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700-1.000 giường bệnh.

Các kỹ sư tham gia xây dựng Bệnh viện dã chiến.

Chia sẻ về quyết định tài trợ và trực tiếp giúp thành phố thi công lắp đặt Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), ông Dương Thế Bằng – Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung cho biết: “Đà Nẵng là nơi Sun Group đã gắn bó ngay từ thời điểm trở về quê hương lập nghiệp cách đây hơn 10 năm cho đến tận bây giờ. Gánh vác trách nhiệm thi công, lắp ghép bệnh viện dã chiến điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn, chúng tôi mong rằng, đóng góp hết sức nhỏ bé này sẽ tiếp thêm động lực, góp thêm một cánh tay để Đà Nẵng có đủ sức mạnh và niềm tin vượt qua đại dịch”.

“Mặc dù đối mặt với khá nhiều áp lực, thách thức để có thể thi công, hoàn thiện Bệnh viện dã chiến trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội với thời gian thần tốc, tuy nhiên, điều chúng tôi tâm niệm và mong muốn nhất là Bệnh viện dã chiến này sẽ không có cơ hội được dùng đến, hoặc nếu có thì cũng sẽ được sử dụng rất ít. Chúng tôi vẫn hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế hoàn toàn tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung” – ông Dương Thế Bằng cho biết thêm.

Bệnh viện dã chiến khi đã hoàn thành.

Mặc dù được thi công thần tốc nhưng tất cả đều đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế. Việc triển khai thi công, lắp ghép Bệnh viện dã chiến vẫn đảm bảo an toàn trong cả công tác xây dựng và phòng chống dịch bệnh, khi công nhân thi công và nhân viên hậu cần đều được trang bị khẩu trang, liên tục rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…

Vốn là công trình văn hóa thể thao điểm nhấn của Đà Nẵng, được hoàn thành năm 2010, Cung thể thao Tiên Sơn được thành phố Đà Nẵng chọn làm bệnh viện dã chiến vì nơi đây nằm cách xa các khu đông dân cư, giao thông thuận tiện di chuyển từ các Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phục hồi chức năng - nơi đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. 

Một số hình ảnh từ giai đoạn lắp đặt đến hoàn thành Bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng):

Thùy Dung