Cuộc chiến không hồi kết giữa báo chí và Facebook, Google
Từ lâu, sự tồn tại của Google, Facebook đã trở thành 'cái gai trong mắt' các kênh xuất bản tin tức truyền thống.
- Báo chí Algeria ca ngợi ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám 1945
- Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí lưu ý trong việc truyền thông, quảng bá các dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới
- Facebook và Instagram thử nghiệm tính năng đăng story 'chéo'
- Google ra mắt hệ điều hành Android 11 với nhiều tính năng bảo vệ quyền riêng tư
Trong suốt một thập kỷ qua, cuộc chiến đòi quyền lợi của các nhà xuất bản tin tức với những ông lớn công nghệ như Google hay Facebook vẫn chưa đến hồi kết.
Gặp suy thoái do Covid-19, cuộc sống của các hãng tin càng chật vật hơn khi những nền tảng công nghệ vẫn tiếp tục phân phối miễn phí nội dung của họ mà không phải trả khoản nào.
Cho dù ở bất cứ đâu, bất cứ khu vực nào, các hãng tin đều có mong muốn san bằng sân chơi độc quyền, giành lại doanh thu từ những công ty công nghệ. Khả năng thích ứng chậm với mô hình kinh doanh trên Internet được coi nguyên nhân dẫn đến sự thiệt thòi mà các hãng tin đang phải hứng chịu.
Google và Facebook đang gây thiệt hại nặng nề cho những đơn vị xuất bản tin tức truyền thống. Ảnh: Sam Whittney.
Tuy nhiên, cả Google và Facebook đều cho rằng họ luôn luôn hỗ trợ ngành công nghiệp tin tức. Theo Facebook, thông qua quá trình tài trợ, cấp phép nội dung trên Facebook Watch, các hãng tin đang nhận được lưu lượng khổng lồ lượt truy cập tiềm năng.
Australia mạnh tay công kích
Cuối tháng 7, Australia đã công bố dự thảo luật buộc Google và Facebook trả tiền, thậm chí bồi thường cho các hãng tin nếu muốn phân phối tin tức trên nền tảng này. Đồng thời, các hãng tin yêu cầu Facebook và Google phải thông báo trước 28 ngày về bất kỳ sự thay đổi nào trong thuật toán, cũng như cung cấp dữ liệu người dùng đã tương tác với tin tức của họ.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới ngay sau đó tuyên bố “sẽ miễn cưỡng chặn quyền chia sẻ thông tin của người dân Australia”. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Facebook lập luận rằng nền tảng này đã giúp các hãng tin địa phương thu về 2,3 tỷ lượt truy cập, con số ước tính trị giá gần 150 triệu USD.
Australia hôm 31/7 đã công bố dự thảo luật buộc Google và Facebook trả tiền cho các hãng tin nếu muốn sử dụng nội dung báo chí. Ảnh: AAP.
Theo báo cáo của Digiday tháng 8/2020, Google đã có một cuộc tranh cãi riêng với giới chức Australia về quy định. Nền tảng này đồng thời gửi thư thông báo đến người với thông điệp “cách công dân Australia sử dụng Google đang bị đe dọa”.
"Bộ luật hiện tại rất khó vận dụng. Chúng tôi không cho phép dịch vụ của mình gặp rủi ro và muốn xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp truyền thông tin tức", đại diện Google tuyên bố.
Cả Google lẫn Facebook đều cho biết doanh thu của họ đến từ tin tức rất hạn chế. Theo thống kê của 2 nền tảng, chỉ 4% bài đăng trên bảng tin Facebook là tin tức. Ngoài ra, Google cũng thống kê chỉ khoảng 1% lượt tìm kiếm ở Australia có liên quan đến các sự kiện hiện tại.
Tuy nhiên, việc Google và Facebook để tin giả (fake news) tồn tại tràn lan trên nền tảng của mình, chính là duy trì liều thuốc độc cho công chúng. Khi không thể phân biệt thật giả, công chúng cũng sẽ dần mất niềm tin vào báo chí, các hãng tin.
Hàng loạt nước châu Âu đứng về phía báo chí
Vào tháng 9/2019, Pháp ra phán quyết buộc Google trả tiền cho các hãng tin. Theo một đạo luật chung của Liên minh châu Âu thông qua vào tháng 3/2019, các nhà xuất bản báo chí, tin tức có thể hưởng lợi dựa trên những nội dung được phân phối thông qua các công cụ tổng hợp tin tức hoặc phương tiện truyền thông.
Tháng 4/2020, sau khi Google thiết kế lại các trang kết quả Google News, cơ quan giám sát Pháp đã coi động thái này là hành vi chống cạnh tranh (Google đang thâu tóm 90% thị trường tìm kiếm ở châu Âu) và “gây thiệt hại nghiêm trọng cho lĩnh vực báo chí”. Google sau đó đã phải khôi phục lại các thay đổi của mình.
3 tháng đàm phán cuối cùng với Google chỉ xoay quanh câu chuyện trả phí cho các hãng tin, Chủ tịch Cơ quan Cạnh tranh Pháp (FCA), bà Isabelle de Silva cho biết những nỗ lực này là một thất bại.
Giới chức các nước khó mà đứng về phía các nền tảng công nghệ.
Ảnh: Search Engine Journal.
“Trong 3 tháng qua, chúng tôi đã gặp riêng các hiệp hội nhà xuất bản và hãng thông tấn của Pháp hơn 30 lần, đồng thời đề xuất nhiều đề nghị theo phán quyết của FCA”, người phát ngôn của Google tuyên bố.
Theo bà Silva, vào ngày 10/9, FCA sẽ tổ chức phiên điều trần để đánh giá cách thức Google thương lượng và nhanh chóng đưa ra phán quyết.
Cùng nằm trong khu vực châu Âu, các nhà xuất bản và cơ quan quản lý của Đức không ngại chiến đấu với những nền tảng công nghệ. Hiện tại, nhiều hãng tin của Đức như Spiegel Group đang được Google trả tiền như một phần của chương trình cấp phép tin tức.
Tuy nhiên, Google đã nhận không ít vụ kiện chống vi phạm bản quyền khi hiển thị nội dung tin tức của hãng tin trên nền tảng của mình. Trọng tâm của gã khổng lồ này giờ đây là xây dựng các phiên bản Google News tại nước sở tại để tránh luật bản quyền.
Tại Bỉ, từ năm 2007, các hãng tin nước này tỏ ra khó chịu khi bị Google “ăn cắp” nội dung thông qua công cụ tìm kiếm. Công ty cũng đã phải trả số tiền phạt lên tới 29.603 USD/ngày cho các hãng tin như một khoản bồi thường. Đối mặt với áp lực của giới chức sở tại trong nhiều năm, Google đã đồng ý giúp các hãng tin địa phương kiếm tiền thông qua tin tức trực tuyến, tiền thân của sáng kiến Google News sau này.
Vào năm 2014, Google đã gỡ bỏ Google News tại Tây Ban Nha sau khi nước này yêu cầu công ty trả tiền cho các hãng tin địa phương. Điều này phần nào khiến lưu lượng truy cập tin tức tại địa phương sụt giảm mạnh.
Google, Facebook khó mà được lòng giới chức Mỹ
Tại Mỹ, quê hương của 2 nền tảng công nghệ, Cơ quan Thương mại Liên minh Truyền thông Tin tức (NMA) – đại diện cho khoảng 2.000 hãng tin, nhà xuất bản báo chí – đang xúc tiến dự luật mang tên Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí. Đạo luật này sẽ cho phép các công ty báo chí thương lượng với những nền tảng trực tuyến như Google hay Facebook để có được điều khoản tốt hơn.
David Chavern, Giám đốc NMA, là một người ủng hộ cách giải quyết của chính phủ Australia và hy vọng Hạ viện Mỹ cũng có hành động thích hợp.
Facebook và Google thậm chí không có được lợi thế ở quê nhà.
Ảnh: William Joel.
“Chúng tôi tán thành việc trả tiền cho các hoạt động báo chí cũng như mong muốn các hãng tin thành công lâu dài. Khả năng hợp tác với các nhà xuất bản tin tức nhằm tạo nên mô hình kinh doanh bền vững chính là chìa khóa”, người phát ngôn của Facebook cho biết.
Đầu tháng 9/2020, Facebook thông báo đang mở rộng "sáng kiến" Facebook News cũng như các công cụ đăng ký và dự án kiểm duyệt để hỗ trợ báo chí.
“Thói quen sử dụng và cách thức liệt kê tin tức của mỗi quốc gia đều khác nhau. Vì vậy chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở từng quốc gia để điều chỉnh trải nghiệm cũng như tôn vinh mô hình kinh doanh của các nhà xuất bản tin tức”, Cambell Brown, Giám đốc quan hệ đối tác tin tức toàn cầu của Facebook.
Minh Anh (T/h)