Có đáng để nâng cấp lên LG G3?
Không chịu thua kém các đối thủ của mình, ngay sau khi HTC tung ra One M8 và Samsung tung ra Galaxy S5 với cấu hình mạnh nhất hiện nay. LG cũng đã kịp thời tung ra bản nâng cấp G3 với cấu hình tương đương thậm chí còn nhỉnh hơn các đối thủ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang sở hữu LG G2 thì liệu những cải tiến mà LG trang bị cho G3 có đáng để nâng cấp từ G2 hay không?
Thiết kế
Cả hai siêu phẩm của LG là G3 và G2 đều sử dụng chất liệu nhựa trong thiết kế, nhưng trong khi G2 tạo cảm giác đúng là nhựa thì với G3, LG đã tinh tế hơn khi lớp vỏ của máy được thiết kế giả kim loại trông khá ấn tượng.
Mặt trước của cả hai smartphone này đều không có gì thay đổi, viền bezel vẫn mỏng, vị trí camera trước, cảm biến và logo LG được bố trí ở đúng vị trí.
Mặt sau vẫn là nút điều khiển âm lượng và nút Home, tuy nhiên thiết kế nút bấm là hơi khác và G3 có tới hai đèn flash thay vì một đèn như trên G2, đồng thời LG còn trang bị thêm cả cảm biến laser ở bên trái của camera.
Mặc dù, có cùng kích thước nhưng G3 (146,3x74,6x8,9mm) lại lớn hơn và nặng hơn (149g) so với người anh em G2 của mình (kích thước 138,5x70,9x8,9mm; trọng lượng 143g). Tuy nhiên, có một điểm mà người dùng sẽ đánh giá cao trong thiết kế của G3 đó là tấm nắp lưng của máy có thể tháo rời, cho phép người dùng thay thế pin khi cần, trong khi với G2 là hoàn toàn không thể.
Bên cạnh đó có một điểm chung của cả hai thiết bị đó là kích thước quá lớn nên khi bỏ túi sẽ cảm thấy hơi khó chịu, và tất nhiên không phải là sản phẩm dành cho người dùng có bàn tay nhỏ bởi khó để sử dụng bằng một tay.
Màn hình hiển thị
Không chỉ so với G2 mà so với các loại smartphone cao cấp hiện nay, LG G3 sở hữu màn hình 5,5 inch với độ phân giải 1.440x2.560 pixel và mật độ điểm ảnh 538 ppi. Theo LG, màn hình của G3 sẽ phá vỡ nguyên tắc về khả năng cảm nhận và phân biệt của mắt thường. Trong khi, màn hình của LG G2 có độ phân giải là FullHD 1.080x1.920 pixel và mật độ điểm ảnh là 423 ppi.
So sánh chất lượng hiển thị của màn hình
Về lý thuyết, màn hình của LG G3 là tốt hơn so với người tiền nhiệm với hình ảnh và video nhìn đẹp hơn, sắc nét hơn đáng kể. Nhưng nếu xem cùng một file ảnh hoặc video trên hai màn hình thì chất lượng hiển thị khó nhận biết được sự khác biệt.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, màn hình lớn của G3 tốt để giải trí, nhưng nó sẽ ngốn pin nhiều hơn và nhanh hơn nhiều so với G2.
Hiệu năng
Giống như các mẫu smartphone cao cấp vừa được tung ra trong năm 2014 của Samsung và HTC, LG G3 sở hữu CPU Qualcomm Snapdragon 801 lõi tứ xung nhịp 2,5GHz, RAM 2GB cho bản 16GB và RAM 3GB cho bản cao cấp có bộ nhớ 32GB và chip đồ họa Adreno 330.
Trong khi LG G2 cũng không kém khi là một trong những smartphone sở hữu cấu hình mạnh nhất trong năm 2013. Với CPU lõi tứ Qualcomm Snapdragon 800 tốc độ 2,3 GHz cùng RAM 2 GB. Giống như màn hình, trên lý thuyết, hiệu năng xử lý của G3 là ăn đứt phiên bản trước, nhưng thực tế cả hai máy đều mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, kể cả khi xem video độ phân giải cao hay chơi các loại game đồ họa cao đều mượt mà không có bất kỳ độ trễ nào.
Thời lượng pin
Điều khiến cho nhiều người dùng ngạc nhiên là dù có cùng kích thước màn hình, nhưng màn hình của LG G3 có độ phân giải lớn hơn, CPU mạnh hơn, có nghĩa là smartphone này sẽ cần nhiều năng lượng hơn để vận hành. Nhưng LG vẫn trang bị cho G3 pin công suất 3.000 mAh tương tự như G2.
Tuy nhiên, theo LG, thời lượng dùng pin trên G3 là dài hơn so với G2. Vì LG cho biết màn hình trên G3 được trang bị công nghệ giúp ít tiêu hao điện năng đáng kể khi ở chế độ hiển thị hình ảnh tĩnh. Một điểm đáng chú ý khác là pin của G3 có thể tháo rời và thay thế, trong khi G2 là pin liền không thể thay thế.
Camera
Mặc dù LG G3 vẫn sở hữu camera chính 13 megapixel với công nghệ OIS+ giống như G2 nhưng đã được hãng tăng cường thêm các tính năng mới. Theo đó với G3 hãng đặc biệt chú ý đến khả năng lấy nét siêu tốc của máy ảnh nhờ đèn trợ giúp lấy nét bằng công nghệ laser thông qua cảm biến laser ở mặt sau máy. Với cảm biến này, tốc độ lấy nét trên LG G3 chỉ khoảng 0,276 giây.
LG còn cho biết công nghệ lấy nét siêu tốc có khả năng tăng hiệu quả lấy nét ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu, thậm chí còn được đánh giá là tốt hơn cả đèn hồng ngoại trên các máy ảnh DSLR. Như vậy người dùng sẽ có được những bức ảnh có khoảnh khắc được nắm bắt tốt hơn, kết hợp với OIS+ sẽ giảm thiểu thêm rung nhòe ảnh.
Ngoài ra camera của G3 còn hỗ trợ đèn flash LED kép, quay video 4K, video áp dụng hiệu ứng slow motion, camera phụ có góc nhìn rộng hơn, thêm chế độ chụp ảnh “tự sướng” cho phép chụp ảnh bằng cử chỉ, không cần chạm vào nút chụp.
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng bình thường
Ảnh chụp từ camera của LG G3
Ảnh chụp từ camera của LG G2
Ảnh chụp từ camera của LG G2, LG G3 và HTC One M8 (từ trái sang phải)
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng thấp
Ảnh chụp từ camera của LG G3
Ảnh chụp từ camera của LG G2
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng đầy đủ
Ảnh chụp từ camera của LG G3
Ảnh chụp từ camera của Samsung Galaxy S5
Ảnh chụp từ camera của iPhone 5s
Kết luận
Thực tế đã chứng minh, LG G3 tốt hơn phiên bản tiền nhiệm, từ màn hình, vi xử lý, camera cho đến những tính năng mới. Vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi giá của G3 cao hơn đáng kể so với LG G2.
Mặc dù vậy, sự khác biệt của LG G3 và G2 trong quá trình sử dụng thực tế là không nhiều, LG G3 cũng không thật sự quá nổi bật hay độc đáo hơn so với G2. Do đó ít có lý do để người dùng G2 nâng cấp lên G3 tại thời điểm này. Nhưng nếu là người dùng yêu thích công nghệ mới với điều kiện tài chính dư giả thì LG G3 sẽ là một lựa chọn hợp lý.
Hoàng Hải