Đại dịch Corona: Viettel dùng “vũ khí” công nghệ chiến đấu với dịch bệnh
Viettel sử dụng công nghệ để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra. Trong thời gian khó khăn này, công nghệ đang dần trở thành một giải pháp hữu hiệu.
Theo Ictnews, sáng 8/2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về điều trị phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra. Hội nghị được kết nối từ đầu cầu Hà Nội đến 700 điểm cầu truyền hình tuyến xã, huyện, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và 23 điểm cầu tại các bệnh viện.
Viettel chính là đơn vị kết nối với 723 điểm cầu, với thời gian chuẩn bị chưa tới 2 ngày. Ngày 5/2, đơn vị này đã nhận công văn đặc biệt từ Bộ Y tế, gửi gắm công tác hỗ trợ hạ tầng, đảm bảo sự kiện được diễn ra thông suốt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị trực tuyến về điều trị phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona sáng 8/2.
Thời gian chuẩn bị rất ngắn trong khi khối lượng và áp lực công việc cực lớn, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra, Viettel đã đáp ứng ngay đề nghị của Bộ Y tế.
Đây cũng không phải là hànhđộng “tham chiến” đầu tiên của Viettel. Ngay từ khi dịch mới “chớm” Việt Nam, trong Tết, hàng trăm cán bộ, kỹ thuật Viettel đã lập cầu truyền hình tại 21 bệnh viện viện lớn chống dịch Corona chỉ trong 1,5 ngày.
“Mặc dù công việc rất vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì hệ thống này đang hoạt động hiệu quả cho Bộ Y tế để kịp thời chỉ đạo phòng chống dịch Corona”, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói.
Cùng với việc xây dựng cầu truyền hình cho các bệnh viện, Viettel còn hỗ trợ Bộ Y tế chuyển hướng toàn bộ các cuộc gọi đến hotline 19003228 của Bộ Y tế sang tổng đài đường dây nóng 19009095 do Viettel vận hành. Trước đó, với nhu cầu quá lớn của người dân hotline này liên tục bị nghẽn.
Viettel cũng đã miễn phí tất cả cuộc gọi của khách hàng đến tổng đài 19009095 giải đáp các thông tin liên quan đến dịch Corona cũng như cách thức phòng chống dịch.
Cùng với hệ thống này, Viettel đã bố trí tổng đài viên có thể đáp ứng được 1.000 cuộc gọi đồng thời để kịp thời giảiđáp tất cả các thắc mắc của người dân về dịch Corona. Kết quả, trong 3 ngày, đã có 43.000 cuộc gọi đến hotline tư vấn về phòng chống dịch, theo số liệu của Bộ Y tế.
Triển khai nhiều phần mềm hữu ích trong mùa đại dịch
Không dừng ở đó, Viettel cùng Bộ Y tế đã phát triển app trên điện thoại bản Android và iOS, để giúp người dân biết cách đánh giá nguy cơ của mình cũng như cách phòng chống dịch, cách ly khi có dấu hiệu. Sau 6 ngày triển khai, đến ngày 7/2, app này đã được chính thức hoàn thiện với tên gọi “Sức khoẻ Việt Nam”.
Giao diện trang tin Sức khoẻ Việt Nam.
Đây là ứng dụng thông tin chính thức duy nhất của Bộ Y tế giúp người dân tự đánh giá về nguy cơ dịch bệnh, trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh. Đồng thời, thông qua ứng dụng, người dân có thể tìm kiếm cơ sở y tế gần nhất để đăng ký thông tin nếu có nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn phương pháp cách ly và báo cáo ca bệnh nghi ngờ.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Tất cả thông tin trên App chỉ nhằm phục vụ cho phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ đẩy tất cả những thông tin, những khuyến cáo của ngành Y tế, những điều mà người dân quan tâm nhất trên app Sức khỏe Việt Nam. Đây cũng có thể coi là môi trường tác nghiệp của ngành Y tế, để nắm bắt kịp thời các thông tin về dịch bệnh”.
Viettel cũng đang gấp rút triển khai một ứng dụng khác là Chatbot thông minh (Cyberbot) tích hợp vào Fanpage Sức khỏe toàn dân. Ứng dụng này sẽ giúp cung cấp các thông tin chính thống từ Bộ Y tế theo kịch bản linh hoạt và phù hợp thực tế, hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin chínhxác, mới nhất về dịch bệnh và biện pháp phòng dịch.
Chatbot này sẽ hỗ trợ việc tư vấn, trả lời tự động một cách nhanh chóng các thông tin cơ bản liên quan đến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Crona. Điều này có được nhờ tính năng nổi bật của Cyberbot như tạo và quản lý bot một cách dễ dàng, khả năng nhận diện ý định người dùng cao, việc áp dụng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất (Machine Learning, Text Pattern, Spelling Check..), khả năng Quản lý hội thoại thong minh (liên kết câu, nhớ ngữ cảnh, xử lý những câu phức tạp nhiều ý định/thực thể, truy vấn và gợi ý các sản phẩm theo các thuộc tính..)…
Bên cạnh việc phát triển những sản phẩm mới, trên nền tảng cũ, Viettel cũng đang làm hết sức mình để những hoạt động thường nhật diễn ra suôn sẻ trong mùa dịch. Đơn cử, trong thời gian ngành giáo dục cho phép học sinh nghỉ học để phòng dịch, hoạt động giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh và công tác quản lý của nhà trường vẫn có thể tiếp tục diễn ra trên hệ thống mạng xã hội học tập trực tuyến ViettelStudy do Viettel triển khai.
Đây là mạng xã hội học tập duy nhất Đông Nam Á với nguồn học liệu chất lượng, tin cậy đến từ cộng đồng giáo viên của hơn 40.000 trường học trên cả nước. Sử dụng ViettelStudy, giáo viên có thể chủ động tạo bài giảng, giao bài, đánh giá chấm điểm và tương tác với nhiều học sinh cùng một lúc. Từ đó, học sinh có thể ôn luyện, học tập từ xa mà vẫn đảm bảo kiến thức trong thời gian tạm nghỉ.
Đặc biệt hơn, với ViettelStudy, phụ huynh học sinh cũng sẽ có môi trường thân thiện để tương tác với giáo viên và nhà trường khi cần sự trợ giúp, cùng nắm được học lực của con, xây dựng kế hoạch học tập cùng con.
“Chúng tôi đã tập trung toàn bộ nguồn lực, đưa công nghệ trở thành một trong những giải pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel nhấn mạnh.
PV(T/H)