FPT tiếp tục tăng cường đầu tư các giải pháp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp
Trong thời gian tới, FPT sẽ tổ chức chuỗi các webinar với doanh nghiệp của từng nhóm ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm ra các giải pháp để sinh tồn và bứt phá. Đồng thời, xây dựng các đội phản ứng nhanh để xác định các vấn đề sống còn của doanh nghiệp và cách giải quyết.
Ngay từ khi Covid-19 mới xuất hiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT của FPTđã nhận định: "Chiến tranh, dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng xã hội thường tạo ra thái độ, nhu cầu và hành vi mới. Thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và không quay trở lại bình thường như trước".
Quả thực, Covid-19 đã khiến cho mọi hoạt động giao tiếp, tương tác của con người đều diễn ra trên môi trường trực tuyến. Hoạt động bán hàng của doanh nghiệp cũng thay đổi, số hóa và số hóa một cách nhanh hơn, cấp bách hơn bao giờ hết.
Chủ tịch FPT: Tận dụng cơ hội, thích nghi với "bình thường mới" để sinh tồn và vươn lên.
Trước tình hình trên, FPT đã tìm cách chủ động thích ứng với trạng thái bình thường mới này. Ngay từ ngày mùng 6 Tết, khi Covid-19 vẫn chưa có nhiều tác động lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu, chúng tôi đã đưa ra các cảnh báo cho toàn bộ nhân viên về dịch. Liên tiếp mỗi tuần sau đó, FPT đưa ra các chỉ thị và hướng dẫn làm việc để đảm bảo an toàn sức khỏe, nhanh chóng thích nghi với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.
Các cuộc diễn tập với quy mô 25%, 50%, 100% nhân viên làm việc tại nhà liên tục được thực hiện. Nhân viên sẵn sàng bắt đầu "thích ứng" với môi trường làm việc từ xa nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng công việc: Điểm danh đúng giờ hàng ngày trên chat room, họp trực tuyến (meeting online) hoặc phần mềm chấm công từ xa.
Cùng với đó, lực lượng IT chuẩn bị hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu làm việc tại nhà. Toàn bộ dữ liệu được đưa lên Cloud và các Trung tâm dữ liệu Tiêu chuẩn Quốc tế của FPT. Hỗ trợ cho làm việc từ xa thông suốt là các công cụ phù hợp với từng dự án để theo dõi và kiểm soát năng suất lao động. Hàng trăm dự án được tạo group trên các kênh các công cụ như Microsoft Teams hoặc Workplace. Nhờ đó, không bị rơi vào trạng thái bị động trong khủng hoảng. Suốt 3 tháng vừa qua, không một ngày nào hoạt động của FPT bị gián đoạn.
Là một doanh nghiệp hoạt động ở 45 quốc gia trên toàn cầu, khi các nước đóng cửa biên giới với nhau, FPT phải tạm dừng tất cả các chuyến công tác bán hàng theo phương thức truyền thống sang bán hàng trực tuyến (online).
Đối với mảng khách hàng đại chúng (B2C), từ mô hình bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc tới nhà khách hàng (door to door), trong 3 tháng qua, FPT đã đẩy mạnh bán hàng online trên web, mạng xã hội, ứng dụng di động.
Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp này tìm cách thuyết phục đối tác gặp gỡ online.
FPT tổ chức thành công Đại hội cổ đông trực tuyến giữa mùa dịch.
Với một số thị trường như Mỹ, châu Âu, APAC, phần lớn doanh nghiệp đã có thói quen làm việc online nên việc thuyết phục khá thuận lợi. Chỉ có một số lãnh đạo doanh nghiệp truyền thống chưa quen với họp online nên bước đầu tiếp cận có khó khăn.
Ông Bình cho biết: "Để thuyết phục đối tác, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với gặp offline. Chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ các mối quan tâm của họ, chuẩn bị các nền tảng họp với các tính năng họp khác nhau, từ meeting bình thường đến thiết kế riêng các hệ thống Webinar để làm các hội thảo lớn trên 1.000 người tham dự có tương tác đa kênh".
Từ đó, sau vài email trao đổi, FPT đã có thể đặt được lịch họp với khách hàng. 100% các cuộc gặp này đều kết thúc bằng việc thống nhất thiết lập nền tảng họp online chung hàng tháng giữa hai bên.
Đặc biệt, trong cuộc gặp online, FPT có thể cùng lúc huy động được đội ngũ chuyên gia của mình trên toàn cầu để tham gia cùng mà không cần phải di chuyển. Ông Bình cho biết, FPT vừa ký online hợp đồng ERP chỉ sau 5 cuộc họp online cùng khách hàng.
"Tôi tin rằng sau một thời gian ngắn nữa, kể cả sau khi hết dịch, làm việc online hay trực tiếp chỉ là sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu." – Chủ tịch của FPT khẳng định.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình họp trực tuyến với đối tác.
Do đó, ông Bình chủ trương cần phải tạo ra những thói quen làm việc của trạng thái "bình thường mới". Toàn bộ đội ngũ bán hàng đã được đào tạo cách bán hàng online. Trong các cuộc đào tạo này, các tình huống giả định cho việc tiếp cận, trao đổi online với khách hàng liên tục được đưa ra và yêu cầu những người phụ trách sale giải quyết.
"Bạn không thể làm trong trạng thái "bình thường mới" nếu đối tác của bạn không làm điều đó với bạn. Vì vậy, chúng tôi hỗ trợ và chuyển giao công nghệ rất nhanh cho các đối tác của mình để cùng nhau thích ứng với trạng thái "bình thường mới" này." – Ông Bình cho biết.
Và mới đây, với một team hỗ trợ rất gọn nhẹ từ FPT, chỉ mất một buổi giới thiệu, một buổi tập dượt và thực hành, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã có thể cùng thực hiện webinar thành công.
Sau đó, HAWA có thể tổ chức các webinar trong hiệp hội và lan tỏa cách làm này tới hàng trăm thành viên của mình. Dần dần, một xã hội bình thường mới sẽ hình thành nên với những thói quen làm việc, bán hàng, giao tiếp online rất tự nhiên như cách chúng ta quen mới máy nhắn tin, email, điện thoại di động, ứng dụng web 2.0 trước đây.
Có thể nói, Covid-19 bằng một cách "bất thường" đã thúc đẩy thế giới mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến nhanh hơn so với dự kiến như vậy.
Dù cũng phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng FPT có may mắn hơn các doanh nghiệp khác là đã đi trước một bước. Vì vậy, trong thời gian tới, FPT sẽ tổ chức chuỗi các webinar với doanh nghiệp của từng nhóm ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm ra các giải pháp để sinh tồn và bứt phá. Cụ thể, FPT sẽ cùng với các đối tác, khách hàng xây dựng các đội phản ứng nhanh để xác định các vấn đề sống còn của họ là gì, cách giải quyết ra sao.
"Tôi mong các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội để nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới để sinh tồn, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới để cùng nhau vươn lên trong và sau dịch" – Ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Ngoài ra, FPT sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư các giải pháp chuyển đổi số có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng được ngay. Giải pháp này rút ngắn 30-50% thời gian triển khai chuyển đổi số và mang lại những kết quả vượt trội như văn phòng không giấy tờ, không chạm với chi phí giao dịch bằng 0 chỉ trong vòng vài tháng.
T.D (T/H)