Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) đã bế mạc và thành công tốt đẹp.
Ngày 11/3, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã họp phiên bế mạc, ra mắt Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ 2022-2027, thông qua nghị quyết đại hội, thông qua điều lệ sửa đổi...
Sau 3 ngày làm việc tích cực, với ý thức trách nhiệm cao trước phong trào phụ nữ cả nước, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Đại hội đã dân chủ, thẳng thắn, tập trung trí tuệ thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội.
Đại hội cũng đã biểu thị ý chí quyết tâm và thống nhất cao trong việc phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam khóa XIII gồm 155/163 ủy viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết hành động vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đại hội các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức một cách trọng thể, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và cụ thể của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với phụ nữ cả nước và tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Thể hiện sự quyết tâm cao độ của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XII, dù dịch bệnh phức tạp xong không lùi thời gian đại hội.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII phát biểu bế mạc đại hội.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, thay mặt đại hội, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, sâu sắc tại đại hội, ghi nhận và biểu dương những thành tựu trong phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có ý kiến chỉ đạo, định hướng tầm chiến lược để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, vận động xã hội thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc.
"Đại hội tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của các cấp chính quyền, các bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là với sự đồng thuận, đoàn kết của phụ nữ cả nước và sự năng động, sáng tạo, tận tâm cống hiến của cán bộ Hội các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ được thực hiện thắng lợi, tạo những bứt phá mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ và công tác Hội thời gian tới", bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Với tinh thần "Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", đại hội kêu gọi phụ nữ Việt Nam trên các lĩnh vực ở trong và ngoài nước hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời kỳ mới, thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân và vai trò trong gia đình, tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp, tự tin hội nhập quốc tế; cùng khơi dậy niềm tự hào, khát vọng cống hiến; trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu.
8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ
Thường trực Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII
Tại phiên bế mạc, Đại hội đã biểu quyết thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); thông qua Nghị quyết đại hội và 8 chỉ tiêu cơ bản của nhiệm kỳ gồm:
(1) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
(2) Hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.
(3) Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
(4) Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
(5) Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn.
(6) Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.
(7) Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.
(8) Đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 05 chính sách, đề án; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 01 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.
Ba nhiệm vụ trọng tâm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; hội nhập quốc tế.
Bốn nhóm giải pháp lớn: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và vận động nguồn lực.
Đại hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và hai Khâu đột phá: Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh; nhắn tin chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
5 điểm nhấn thành công của Đại hội Phụ nữ toàn quốc
Thứ nhất: Quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.Báo cáo Chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu vận dụng chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan trực tiếp tới công tác phụ nữ và bình đẳng giới; các luận cứ, chứng cứ khoa học, căn cứ thực tiễn thông qua triển khai 19 đề tài, 7 chuyên đề nghiên cứu và 4 hội thảo khoa học cấp quốc gia, vùng miền, chuyên đề, các hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia đầu ngành; chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; phát huy dân chủ trí tuệ thông qua lấy ý kiến đóng góp từ Đại hội phụ nữ 3 cấp; tổ chức 42 cuộc họp/hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội; các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể.
Trong quá trình soạn thảo Báo cáo Chính trị, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo Chính trị của Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.
Về dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung), trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Điều lệ Hội trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Tổ chức Đại hội đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội và lấy ý kiến đóng góp tại đại hội phụ nữ 3 cấp (cấp cơ sở, huyện, tỉnh), lấy ý kiến của Ban Thường vụ Hội LHPN cấp tỉnh; tổ chức các cuộc họp, hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XII, các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể; tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam qua các thời kỳ.
Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa XII đã được xây dựng, thảo luận trong Ban Chấp hành và lấy ý kiến góp ý của các Ban xây dựng Đảng, tập trung vào 3 nội dung: Kiểm điểm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ. Kiểm điểm việc thực hiện quy chế làm việc. Kiểm điểm việc rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với 5 bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành.
Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII gồm 155 đồng chí.
Thứ hai: Thành công về công tác nhân sự Đại hội là do được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để bầu được Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN VIệt Nam khóa XIII là các ủy viên có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận được nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII gồm 155/163 uỷ viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Hội nghị đã bầu 31 người tham gia Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khoá XIII; 100% ủy viên Ban Chấp hành có mặt đã bầu bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XIII; bầu 4 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.
Thứ ba: Hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Tại Đại hội, đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, chiều 10/3, Đại hội tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Phụ nữ trong nền kinh tế số. Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Với cách làm này, đại biểu Đại hội có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.
Thứ tư: Công tác tuyên truyền trước, trong sau Đại hội được thực hiện rộng khắp ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang Fanpage, nhiều tin bài, phóng sự về Đại hội được đăng tải thực hiện trên các đài, báo Trung ương và địa phương.
Thứ năm: Công tác hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị, tổ chức đã đồng hành với Hội LHPN Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện.
Thùy Chi (T/h)