Năm 2022, duy trì các hoạt động theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt” tiến tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Tin học Việt Nam lần thứ IX
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm qua, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã bám sát chương trình hành động đã đặt ra, nỗ lực khắc phục khó khăn dịch bệnh để hoàn thành nhiều nội dung hoạt động. Đây là những tiền đề quan trọng để bước sang năm mới 2022, VAIP tiếp tục triển khai các hoạt động thường xuyên của mình theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt” tiến tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nhân dịp bước sang năm mới Nhâm Dần, Tạp chí Tin học và Đời sống có cuộc trò chuyện ngắn với ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội VAIP về vấn đề này.
Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả hoạt động của Hội Tin học Việt Nam trong năm 2021?
Ông Nguyễn Long: Năm 2020, đặc biệt 2021 dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 liên tục kéo dài từ tháng 4 đến nay nhưng Hội THVN đã cố gắng duy trì tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng. Những hoạt động chính đã duy trì sau đây:
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hội THVN và các Hội Tin học thành viên phải hoãn, huỷ nhiều hoạt động xã hội nghề nghiệp. Nhưng với sự cố gắng vươn lên, một số Hội vẫn duy trì hoạt động mạnh và linh hoạt, như: Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh; Hội Tin học Cần Thơ; CLB PMNM; CLB VLSP; CLB VNOI… Hội Tin học Đà Nẵng đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ IV vào cuối năm 2021.
Hội THVN tiếp tục duy trì vai trò và trách nhiệm với Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam và trong liên minh các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT Việt Nam.
Trước khi bùng phát giai đoạn ba dịch Covid-19, vào ngày 26/3/2021, Hội đã tổ chức thành công Gặp gỡ ICT 2021 giữa các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT, tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạh Hùng đã chia sẻ về hiện thực hoá chuyển đổi số Quốc gia và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Hội, Hiệp hội ngành CNTT trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới của đất nước .
Tích cực và chủ động tư vấn, phản biện về CNTT-TT; tham gia tư vấn, phản biện các chủ chương mới của Đảng và Chính phủ về phát triển CNTT-TT; tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến, tổ chức hội thảo toạ đàm về các văn bản môi trường, chính sách của Nhà nước. Tư vấn, thẩm định và xây dựng các đề án, dự án CNTT-TT cho Chính phủ, các Bộ, ngành, tỉnh thành và doanh nghiệp. Tích cực, chủ động tư vấn và tham gia các hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Tham gia phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức triển lãm ITU 2021, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Duy trì thực hiện Báo cáo Việt Nam ICT Index 2020, 2021.
Tham gia chủ trì chuyên môn: Giải Nhân tài Đất Việt 2021; Giải thưởng Y tế thông minh 2021; Hội thi Tin học trẻ; Hội thi Tin học trẻ CBCCVC; Giải thưởng Quả Cầu Vàng. Khẳng định vai trò chuyên môn trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, hỗ trợ ra đề các kỳ thi chọn học sinh giỏi các kỳ thi Olympic Tin học Châu Á và Quốc tế.
Ba đội tuyển sinh viên Việt Nam dự Chung kết ICPC toàn cầu theo hình thức trực tuyến từ 1-6/10/2021 và tiếp nhận tổ chức kỳ thi ICPC Asia Hanoi.
Tháng 12/2021 tổ chức trực tuyến 3 kỳ thi ICPC khu vực Bắc, Trung, Nam, mỗi kỳ thu hút từ 500-600 đội tuyển tham gia, chính thức mở rộng cho học sinh chuyên PTTH trong đó 53 trường chuyên tham gia với gần 200 đội tuyển. Tích cực chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Olympic Tin học Sinh viên; 15 năm Kỳ thi ICPC Việt Nam vào dịp tổ chức Olympic Tin học năm 2022.
Tháng 6/2021 tổ chức Đại hội online thành lập Câu lạc bộ (CLB) Olympic Tin học Việt Nam, quy tụ các học sinh sinh viên đoạt giải quốc tế IOI, APIO, World Final ICPC nhằm hỗ trợ cộng đồng học tập giải thuật-lập trình cho học sinh, sinh viên. Tuy mới thành lập nhưng CLB tổ chức thành công nhiều kỳ thi lập trình trực tuyến, hỗ trợ live stream giải bài và giải thuật cho học sinh.
Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của CLB Phần mềm nguồn mở Việt Nam; Duy trì đều đặn các hoạt động của cộng đồng PMNM Việt Nam theo hình thức trực tuyến; các doanh nghiệp PMNM đã liên kết đưa ra các sản phẩm giải pháp ứng dụng phòng chống dịch hiệu quả.
Câu lạc bộ các Khoa Viện Trường CNTT (FISU) nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, kết nối theo hình thức trực tuyến và xúc tiến thành lập FISU miền Trung - Tây Nguyên và FISU các tỉnh duyên hải, miền núi phía Bắc.
Câu lạc bộ Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt (VLSP) tiếp tục duy trì hoạt động theo hình thức trực tuyến trong đó có các Hội thảo Quốc tế và các Kỳ thi, đánh giá chuyên môn về xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt.
Tạp chí Tin học & Đời sống hoạt động ổn định; tăng cường chất lượng nội dung trang tin www.congnghevadoisong.vn; Thế giới số www.tgs.vn; trang www.vaip.vn; www.OLP.vn .
Văn phòng và Chi bộ cơ quan Hội duy trì ổn định đáp ứng các nhu cầu hoạt động của Hội.
Do dịch bệnh kéo dài liên tục từ đầu năm, nhiều hoạt động thường niên không thể duy trì như Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT tuy được các tỉnh Hải Dương, Tây Ninh đồng ý đăng cai nhưng đã phải huỷ bỏ dẫn đến 2 năm liên tục chưa thể tổ chức được Hội nghị Hội đồng TW các Hội Tin học hàng năm. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế của Hội và các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động học thuật quốc tế bị gián đoạn. Hoạt động văn hoá - thể thao chưa thể tổ chức lại bình thường.
Đại diện Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và nhà tài trợ chính đã giải đáp thắcmắc những câu hỏi của báo chí và các thí sinh tham gia cuộc thi Nhân tài Đất Việt2020.
P.V: Như ông đã cho biết, năm qua tuy có nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự linh hoạt của mình, Hội THVN đã tổ chức được nhiều hoạt động có kết quả tốt. Vậy hướng đi trong năm 2022 của Hội sẽ như thế nào trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp?
Ông Nguyễn Long: Năm 2022, Hội THVN đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và hoạt động theo xu hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, có thể tóm tắt một số hoạt động chính như sau:
Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phát triển hội viên. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa Hội Tin học Việt Nam và các Hội Tin học thành viên.
Chuẩn bị các phươnng án để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ IX với trọng tâm đề xuất cơ cấu lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới đáp ứng xu thế Chuyển đổi số, Kinh tế số cùng nâng cao vai trò của Hội nghề nghiệp.
Tích cực tham gia tư vấn phản biện và các hoạt động định hướng nâng cao vị thế và vai trò của Hội trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tích cực thực hiện các hoạt động xã hội nghề nghiệp: nâng cao vai trò với Uỷ ban QG về Chuyển đổi số và các cơ quan QLNN về CNTT; hợp tác và phối hợp với Liên hiệp Hội, các Hội, Hiệp hội nâng cao trách nhiệm tư vấn phản biện về CNTT.
Trong bối cảnh và hình thức mới, duy trì tổ chức các đoàn Doanh nghiệp ICT tham gia xúc tiến thương mại và hợp tác trong các khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế do Nhà nước chủ trì. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNTT với các Quốc gia phát triển.
Cùng các Hội, Hiệp hội ngành CNTT tổ chức Gặp gỡ ICT Xuân Nhâm Dần dự kiến vào tháng 2/2022.
Xem xét, đề xuất chuẩn bị tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT VN lần thứ XXIV vào quý III năm 2022. Song song với Hội thảo tổ chức Hội nghị Hội đồng TW các Hội thành viên.
Tiếp tục duy trì và đổi mới tiêu chí đánh giá Báo cáo Việt Nam ICT Index; công bố xếp hạng khối Bộ-Ngành, Tỉnh-Thành, Doanh nghiệp và Ngân hàng 2021 vào đầu năm 2022.
Tham gia chủ trì chuyên môn: Hội thi Tin học trẻ; Hội thi Tin học Công chức trẻ; Giải thưởng Quả Cầu Vàng,... và các Giải CNTT-TT có uy tín.
Tổ chức kỷ niệm 30 năm Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, Procon kết hợp với Kỳ thi lập trình quốc tế ICPC Asia Hà Nội năm 2022 tại Đại học FPT; Tiếp tục duy trì đội tuyển Việt Nam có mặt tại Chung kết ICPC toàn cầu năm 2022.
Nâng cao chất lượng và vai trò của các Câu lạc bộ chuyên môn có quy mô toàn quốc, hỗ trợ hoạt động để nâng cao vai trò chuyên môn sâu trong các lĩnh vực CNTT-TT.
Định hướng đào tạo bồi dưỡng nguồn lực và kỹ năng nghề và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo mới, phù hợp thông qua Viện Tin học Nhân dân, CLB FISU cùng các CLB chuyên môn.
Triển khai nhanh tổ chức các hoạt động cụ thể của Viện Tin học Nhân dân. Tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn phản biện của Viện.
Đẩy mạnh các hoạt động của Tạp chí Tin học và Đời sống, sớm ra mắt chuyên san chuyên môn về nghiên cứu phát triển CNTT-TT tuân thủ các quy định mới của Quy hoạch báo chí. Hội chủ động, trực tiếp quản lý các Tạp chí và cơ quan truyền thông của mình; nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức truyền thông điện tử.
Duy trì và đẩy mạnh các công tác thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng và văn hoá-thể thao.
Rất mong theo xu thế thích ứng an toàn với dịch bệnh của cả nước, năm 2022 các hoạt động xã hội nghề nghiệp của Hội Tin học Việt Nam sẽ được các hội viên, Hội Tin học thành viên và các đối tác ủng hộ triển khai và tham gia nhiệt tình.
P.V: Xin cảm ơn Ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện ngắn với Tạp chí Tin học và Đời sống.
Sự kiện Gặp gỡ ICT 2021 - Xuân Tân Sửu với chủ đề “Hiện thực hóaChuyển đổi số Quốc gia” được VAIP cùng 15 Hội, Hiệp hội ngành CNTT-TT đã đồng tổ chức.
Hữu Ích