Đại hội khóa 5 Hội Xuất bản Việt Nam: Đổi mới, hội nhập và phát triển
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V - nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ tìm cách nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo diễn ra chiều ngày 5/7 trước Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ năm 2023 - 2028. Theo kế hoạch, Đại hội diễn ra ngày 12/7 tại Hà Nội với sự tham dự của 250 đại biểu chính thức và khoảng 100 khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Thông tin về Đại hội khóa V, ông Nguyễn Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: Hội Xuất bản Việt Nam đã hoạt động 4 nhiệm kỳ và chuẩn bị cho niệm kỳ thứ V (2023 - 2028).
Năm nay với chủ đề “Hội Xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển”, Đại hội khóa V sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính: Đánh giá kết quả hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 - 2023 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2023 - 2028; Bầu Ban Chấp hành (BCH), Ban Kiểm tra khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Họp phiên họp lần thứ nhất BCH Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028 bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Chia sẻ với báo chí về nhân sự và BCH Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: Một trong những vấn đề quan trọng của các đại hội là vấn đề nhân sự. Nhiệm kỳ khóa V có một số điểm rất mới so với các nhiệm kỳ cũ là riêng vị trí Chủ tịch, trên cơ sở Hội giới thiệu nhưng phải được sự đồng thuận và giới thiệu của Ban Bí thư. Nhân sự được chọn ngoài việc am hiểu về lĩnh vực xuất bản và có độ tuổi còn trẻ và sẽ là trẻ nhất từ trước đến nay.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam
“Về mô hình, từ trước đến nay Chủ tịch là một lãnh đạo của Bộ TT&TT kiêm nhiệm, nhưng lần này áp dụng mô hình như Hội Nhà báo Việt Nam, tức là Chủ tịch Hội Xuất bản sẽ là Giám đốc, Tổng biên tập một nhà xuất bản (NXB) lớn, có vị thế của Đảng và Nhà nước”, ông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.
Hội Xuất bản Việt Nam hiện có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là NXB, các cơ sở phát hành trên cả nước với số lượng người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; Tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam.
Nhiệm kỳ tới, chất lượng, hiệu quả hoạt động các ban chuyên môn của Hội cũng phải được nâng cao đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0. Hội phải chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Về nhân sự đại hội, Đại hội dự kiến bầu 37 ủy viên, đại diện cho 04 khối: Khối các cơ quan chỉ đạo quản lý; khối NXB, khối cơ sở phát hành xuất bản phẩm và khối các cơ quan, trường đại học, đơn vị, doanh nghiệp có vai trò đào tạo nhân lực và hỗ trợ thúc đẩy phát triển xuất bản và văn hóa đọc. Đại hội cũng sẽ Ban Kiểm tra gồm 03 uỷ viên.
Cùng ngày, Hội nghị BCH Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023 - 2028 họp để bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch./.
Theo mic.gov.vn
(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159287/dai-hoi-khoa-5-Hoi-Xuat-ban-Viet-Nam--doi-moi--hoi-nhap-va-phat-trien.html)