Đảm bảo an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số

07:17, 13/11/2020

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ghi nhận hơn 500.000 cảnh báo tấn công mạng vào hệ thống mạng công nghệ thông tin trọng yếu.

Các cuộc tấn công mạng sẽ không chỉ gia tăng về số lượng, tần suất mà ngày càng nguy hiểm với sự phát triển của công nghệ. Nhận định được đưa ra tại Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam diễn ra mới đây do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, các chuyên gia đếu nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên.

Từ đầu năm đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ghi nhận hơn 500.000 cảnh báo tấn công mạng vào hệ thống mạng công nghệ thông tin trọng yếu. Phần lớn liên quan đến tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật và sử dụng mã độc nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật nhà nước, phá hoại hệ thống thông tin.

Đảm bảo an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Trần Đức Sự - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, với công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, kẻ tấn công sẽ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là loại tấn công rất nguy hiểm, có nguy cơ lộ lọt thông tin rất cao mà tập trung nhiều vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu.

Các chuyên gia cho rằng, trong kỷ nguyên số, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình và các giải pháp về công nghệ. Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả cho hệ thống an toàn, an ninh thông tin.

Ông Ngô Diên Hy - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT - cho biết: "Đối với những hệ thống của Chính phủ và những hệ thống được coi là trọng yếu quốc gia, vấn đề an ninh mạng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Và chúng tôi khi thực hiện triển khai những dự án đó đều được sự kiểm định, đánh giá bởi hệ thống giám sát đặc biệt của trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia nên đảm bảo chất lượng hệ thống an toàn hơn".

Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh: "Chúng ta phải ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn và những hệ thống kĩ thuật ở mức quy mô quốc gia hoặc thúc đẩy kỹ thuật ở các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Chúng ta phải xây dựng lên mạng lưới ứng cứu quốc gia, bảo đảm an toàn an ninh mạng cho không gian mạng Việt Nam bằng sản phẩm an toàn, an ninh mạng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ và phát triển".

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành sẽ giúp tăng cường khả năng cảnh báo sớm, chính xác về các sự cố, lỗ hổng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Minh Anh (T/h)