Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên 20,5 tỷ USD năm 2023 và dự kiến 25 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách từ thương mại điện tử, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hiện chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu toàn thị trường.
Đáng chú ý, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm, từ 20,1% năm 2022 xuống còn 17,4% vào năm 2024, cho thấy phần lớn doanh thu vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan thuế.
Một trong những rào cản lớn nhất là số lượng lớn gian hàng kinh doanh chưa định danh trên các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê từ năm sàn lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab, hiện có hơn 300.000 gian hàng chưa xác định được danh tính chủ sở hữu, với tổng doanh số lên đến hơn 70.000 tỷ đồng.
Dù Cục Thuế đã xây dựng hệ thống dữ liệu gồm hơn 500.000 tổ chức, cá nhân từ hơn 400 sàn giao dịch, nhưng số thu thuế vẫn còn khoảng cách lớn so với tiềm năng. Đối với các nhà cung cấp nước ngoài, việc triển khai cổng thông tin điện tử hỗ trợ kê khai đã mang lại kết quả tích cực.
Hiện đã có 120 đơn vị tự nguyện đăng ký, kê khai và nộp thuế với tổng số thu đạt 17.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát các hoạt động không chính danh và các giao dịch phi chính thức ngày càng tinh vi.
Để khắc phục những bất cập này, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn quản lý thuế đối với kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và kỹ thuật số.
Nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Dự thảo này được ban hành dựa trên Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế (Luật số 56/2024/QH15), với mục tiêu không chỉ tăng hiệu quả thu thuế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, nơi mọi chủ thể – từ kinh doanh truyền thống đến kỹ thuật số – đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức trung gian như sàn thương mại điện tử và nền tảng số trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân.
Điều này không chỉ giúp cơ quan thuế siết chặt quản lý mà còn giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Với sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) từ chính các nền tảng số, cơ quan thuế có thể giám sát hiệu quả hơn các giao dịch trực tuyến, đồng thời giúp người kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế một cách đơn giản và thuận tiện hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nhận định rằng dự thảo Nghị định sẽ có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Theo bà, việc quy định trách nhiệm cụ thể của các sàn thương mại điện tử trong khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn giảm bớt các đầu mối kê khai thuế, từ đó tiết kiệm chi phí tuân thủ cho cả doanh nghiệp và người dân.
“Áp lực quản lý thuế hiện nay là rất lớn, đặc biệt khi lực lượng cán bộ thuế tại các địa phương còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu có công cụ pháp lý rõ ràng cùng sự phối hợp từ các nền tảng thương mại điện tử, đây sẽ là cú hích quan trọng cho cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội, đồng thời thúc đẩy sự công bằng và minh bạch trong kinh doanh”, bà Cúc nhấn mạnh.
Việc xây dựng một hệ thống thuế công bằng và thuận tiện không chỉ giúp gia tăng nguồn thu ngân sách một cách bền vững mà còn củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích các hộ và cá nhân kinh doanh tự giác tuân thủ. Đây chính là mục tiêu lâu dài mà chính sách thuế cần hướng đến trong nền kinh tế số.