Đang có những cách hiểu lầm phổ biến về tín chỉ carbon

14:00, 07/07/2025

Tín chỉ carbon không phải tiền từ trên trời rơi xuống, cũng không phải cái cớ để doanh nghiệp trì hoãn hành động. Làm dự án tín chỉ carbon không hề dễ và rẻ. Thực tế hiện nay đang tồn tại những cách hiểu lầm về tín chỉ carbon. Việc hiểu đúng và rõ hơn về tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp tránh rơi vào tình trạng lạc quan quá mức hoặc hoài nghi cực đoan, bỏ lỡ các cơ hội với công cụ này...

Trong những năm gần đây, tín chỉ carbon đang trở thành một công cụ quan trọng trong các chiến lược khí hậu của doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, có những hiểu lầm đang cản trở việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả công cụ này.

Một mặt, nhiều người lạc quan thái quá về tiềm năng lợi nhuận từ việc bán tín chỉ carbon, cho rằng đây là “cơ hội làm giàu dễ dàng”. Mặt khác, các công ty vẫn còn ngần ngại và chưa mạnh dạn mua tín chỉ carbon vì sợ bị cáo buộc tẩy xanh (greenwashing).

Trong quá trình tư vấn về chuyển đổi xanh, Luật sư Trương Tử Long, Chuyên gia chính sách phát triển bền vững CTCP Sáng tạo xanh Việt Nam (GREEN IN), cho biết đã gặp rất nhiều hiểu lầm như vậy và thường mất thời gian để giải thích làm rõ trước khi đưa ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp.

Luật sư Trương Tử Long, Chuyên gia chính sách phát triển bền vững CTCP Sáng tạo xanh Việt Nam.

Làm dự án tín chỉ carbon không hề dễ và rẻ như nhiều người tưởng 

Thưa ông, thuật ngữ tín chỉ carbon đã xuất hiện ngày càng phổ biến hơn kể sau COP26, cùng với đó là rất nhiều câu chuyện về lợi ích tín chỉ carbon từ những hoạt động rất bình thường, như nông dân Bến Tre “ngồi yên” cũng có thể thu về hàng trăm tỷ đồng từ tín chỉ carbon, hay người nông dân trồng lúa bán tín chỉ carbon… Theo quan điểm của ông, có phải tín chỉ carbon có thể tạo được dễ dàng từ những nguồn lực sẵn có hay không?

Câu trả lời rõ ràng là không. Nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều người hiểu lầm rằng có được tín chỉ carbon rất dễ dàng.  

Tôi đồng ý cây dừa có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon, nhưng chỉ như thế chưa đủ bởi để tạo ra được tín chỉ carbon, một dự án phải chứng minh được tính bổ sung (additionality).

Thứ nhất, hoạt động của dự án đó giúp giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyền so với khi không có dự án đó.

Thứ hai, chủ dự án phải chứng minh được sự cần thiết của nguồn tiền có được từ bán tín chỉ carbon. Cụ thể nếu không có số tiền đó thì dự án sẽ gặp khó khăn, không thể duy trì hoặc mở rộng về quy mô, thậm chí không thể triển khai.

Vậy nếu muốn có tín chỉ carbon theo đúng quy trình thì phải làm như thế nào, thưa ông?

Nếu muốn có tín chỉ carbon từ cây dừa, trước hết cần phải có một tổ chức đứng ra quy tụ được vùng dự án có quy mô đáng kể. Dự án có quy mô đủ lớn thì doanh thu mới đủ bù đắp cho chi phí và đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng cho chủ dự án. Đồng thời, họ cũng phải chứng minh được dự án sẽ cần tiền từ tín chỉ carbon để triển khai các hành động giảm phát thải.

Các hoạt động khả thi để tạo tín chỉ có thể kể tới như sử dụng phế phụ phẩm cây dừa tạo than sinh học (biochar), hoặc kết hợp các biện pháp canh tác bền vững như tăng thời gian chặt cây lấy củ hũ dừa, giảm lượng phân đạm hoặc thay đổi cách bón phân đạm để hạn chế phát thải khí nitrous oxide (N2O)…

Ảnh minh họa.

Để chứng minh kết quả, họ sẽ phải tiến hành nhiều công việc có tính kỹ thuật cao như đo đạc, giám sát, thẩm định/thẩm tra độc lập kết quả giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính của dự án.

Cuối cùng, tín chỉ carbon thu được cũng không phải là toàn bộ lượng CO2 các cây dừa hấp thụ và lưu trữ như nhiều người vẫn tưởng, mà chỉ tương ứng với lượng CO2 của hoạt động dự án đã giúp giảm hoặc tránh phát thải vào bầu khí quyển.

Chưa kể, chủ dự án cũng còn phải gánh chịu và có biện pháp dự phòng với các rủi ro như rò rỉ (leakage) hoặc đảo chiều phát thải (reversal). Ví dụ như than biochar được bảo quản không đúng cách dẫn tới cháy làm phát thải ngược khí nhà kính vào bầu khí quyền.

Khi những rủi ro này xảy ra, chủ dự án sẽ là người gánh chịu thiệt hại, từ không thu được tiền từ bán tín chỉ carbon cho tới việc phải bồi thường cho người mua vì không bàn giao đủ lượng tín chỉ theo hợp đồng đã ký kết.

Qua những điểm tôi phân tích như trên, rõ ràng làm dự án tín chỉ carbon không hề dễ và rẻ như nhiều người vẫn tưởng.

Các doanh nghiệp cần hiểu đúng về tín chỉ carbon 

Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng tín chỉ carbon chỉ được tạo ra từ việc trồng cây và gây rừng khi hàng loạt các hoạt động trồng rừng được giới thiệu là hướng tới mục tiêu Net Zero. Cách hiểu này đã đầy đủ chưa, thưa ông?

Tín chỉ carbon không chỉ đến từ hoạt động “trồng cây – gây rừng”. Trên thực tế, tín chỉ carbon có thể được phát hành từ nhiều loại hình dự án, ví dụ như dự án năng lượng tái tạo, dự án giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong giao thông, dự án xử lý rác thải, nông nghiệp thông minh. Và các dự án carbon từ rừng là một trong số đó.

Ngay cả với dự án carbon rừng, giá trị tín chỉ carbon không chỉ đến từ cây xanh, mà còn từ các hoạt động bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái như: tái tạo đất, tăng cường đa dạng sinh học, ngăn chặn xói mòn, và hỗ trợ sinh kế địa phương. Dự án nào có nhiều đồng lợi ích thường được người mua định giá tín chỉ cao hơn.

Mua tín chỉ carbon cho phép các doanh nghiệp bù đắp cho lượng khí thải vượt ngưỡng. Có phải chỉ cần mua đủ tín chỉ là doanh nghiệp có thể đạt trung hòa carbon? Cách nghĩ này có đúng không, thưa ông?

Cam kết thực hiện lộ trình Net Zero hoặc đạt chứng nhận trung hòa carbon là những hành động tiêu biểu để ghi dấu ấn trên hành trình chuyển đổi xanh của một công ty. Nhiều công ty ở trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đã được chứng nhận điều đó.

Tuy nhiên, có nhiều người hiểu lầm rằng chỉ cần có tiền mua tín chỉ carbon để bù đắp, mà công ty không cần làm gì thêm để giảm phát thải khí nhà kính. Đây là hiểu lầm phổ biến và nguy hiểm, thường được gọi là Tẩy xanh (Greenwashing).

Chúng ta không nên coi tín chỉ carbon là “giấy phép phát thải”, mà nên coi đó như công cụ hỗ trợ cuối cùng cho phần phát thải không thể tránh khỏi.

Hiện nay, để đạt chứng nhận Net Zero theo tiêu chuẩn SBTi, doanh nghiệp cần phải tự thân giảm tối thiểu 90– 95% phát thải vào năm 2050 và chỉ được bù trừ phần còn lại (tối đa 5– 10%) bằng tín chỉ carbon chất lượng cao.

Tương tự, tiêu chuẩn ISO 14068-1:2023 về trung hòa carbon cũng yêu cầu doanh nghiệp phải giảm phát thải nhiều nhất có thể, sau đó mới được mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải chưa thể giảm được.

Ngoài những điều trên, theo ông, còn có những cách hiểu lầm nào doanh nghiệp hay mắc phải cần thay đổi? 

Không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn nhầm lẫn giữa tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải. Do cả hai đều có đơn vị là tấn CO2e nên dễ dẫn tới sự hiểu lầm, nhưng xét theo các khía cạnh thì chúng hoàn toàn khác nhau.

Thứ nhất về nguồn gốc, tín chỉ carbon được tạo ra từ các hoạt động giảm/tránh phát thải hoặc loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyền. Trong khi hạn ngạch phát thải là quyền phát thải mà Chính phủ cấp cho các cơ sở tham gia thị trường carbon bắt buộc (ETS).

Thứ hai về chức năng, tín chỉ carbon là công cụ tài chính để thúc đẩy hành động giảm phát thải. Trong khi đó, hạn ngạch phát thải là công cụ chính sách để Chính phủ kiểm soát tổng lượng phát thải của các doanh nghiệp, lĩnh vực và quốc gia.

Thứ ba, về giao dịch trên thị trường, tín chỉ carbon có thể được giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện hoặc trên hệ thống giao dịch phát thải (ETS), ví dụ như ở Việt Nam trong thời gian sắp tới. Trong khi hạn ngạch phát thải chỉ được giao dịch trên ETS.

Rõ ràng tín chỉ carbon không phải là tiền từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là cái cớ để các công ty trì hoãn hành động. Khi hiểu và sử dụng đúng cách, chúng là một công cụ hữu ích giúp các bên đạt được mục đích của mình. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ bản chất của tín chỉ carbon, tránh rơi vào hai thái cực: lạc quan quá mức hoặc hoài nghi cực đoan.