Đánh giá vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam: Thiếu sở cứ thuyết phục

07:26, 06/06/2010

Cuối tháng 4 vừa qua, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và hãng nghiên cứu thị trường IDC đã tọa đàm về tình hình vi phạm bản quyền tại Việt Nam năm 2009. Theo đó,  các đơn vị này cho rằng tỷ lệ vi phạm ở Việt Nam vẫn giữ mức 85% (bằng với năm 2007 và 2008). Thông tin này lập tức dấy lên luồng dư luận phản đối, cho rằng SBA và IDC đã bỏ qua sự cố gắng của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tôn trọng bản quyền phần mềm. Ngoài ra, phân tích của các chuyên gia cho thấy, cách tính của BSA và IDC không có sở cứ thuyết phục trong phương pháp tính và cách thức thu thập số liệu…

 

Áp đặt chủ quan

 

Tại buổi tọa đàm ngày 07/05 “Đánh giá thực trạng tôn trọng bản quyền phần mềm năm 2009 con số và nhận thức, về con số vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 85% mà BSA-IDC đưa ra, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam (VAIP) cho rằng, bản báo trên có tính áp đặt cao. Theo tìm hiểu của Hội tin học, các phần mềm (PM) được BSA và IDC điều tra chỉ tập trung ở: Hệ điều hành, văn phòng, virus, phần mềm thương mại… Chính vì vậy, so trên số lượng máy tính thì tỷ lệ phần mềm không được mua là cao.
 

Báo cáo “Vi phạm Bản quyền phần mềm”, song đối tượng đánh giá chỉ dựa trên PC; Các PM điều tra như: hệ điều hành, PM văn phòng, PM ứng dụng và phát triển, PM diệt virus, PM thương mại, PM nguồn mở (PMNM) chỉ được tính giá trị bằng 0 USD.

 

Ông Nguyễn Long cho rằng báo cáo có tính áp đặt cao, không có sở cứ thuyết phục trong phương pháp tính, cách thức thu thập số liệu: Báo cáo về bản quyền phầm mềm trên cơ sở máy tính cá nhân (PC và Notebook), không đại diện cho PM nói chung. Nhiều đối tượng có các mức vi phạm khác nhau, khối cơ quan công quyền đã mua và sử dụng PMBQ theo luật định, khối giáo dục cũng thuộc diện sử dụng BQPM miễn phí cao hoặc phí khoán thấp, Khối doanh nghiệp cũng chuyển biến mạnh về tôn trọng BQPM như các doanh nghiệp lớn đã tuân thủ các quy định về sử dụng PM có bản quyền, nhận thức về BQPM cũng đang được nâng cao trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cộng đồng.

 

Theo BSA-IDC, tỷ lệ vi phạm BQPM PC toàn thế giới là 43% tăng 2%, tỷ lệ này ở Việt Nam là 85% như các năm 2007, 2008; Giá trị thất thoát do vi phạm toàn toàn cầu là 51,4 tỷ USD; tại Việt Nam ước tính 353 triệu USD. Như vậy, theo kết quả tham khảo từ Báo cáo 2009 cho thấy, Việt Nam không nằm trong Top 10 nước có tỷ lệ vi phạm BQ PM cao nhất thế giới, nhưng vẫn giữ tỷ lệ như các năm 2007, 2008.  “đáng mừng” là theo số liệu và cánh tính của BSA, giá trị PM có bản quyền của Việt Nam là 62 triệu USD, tăng vọt so với các năm trước (đơn cử, so với 2008 thì tăng 17 triệu USD, tương đương 37,7%).

Các phần mềm được BSA và IDC đưa vào điều tra gồm hệ điều hành, phần mềm văn phòng, phần mềm diệt virus và một số phần mềm thương mại khác. Đặc biệt, báo cáo của BSA và IDC tính giá trị phần mềm mã nguồn mở bằng không, có nghĩa là các máy tính dùng loại phần mềm này bị coi như dùng phần mềm lậu???

 

Chưa xác thực, thiếu khoa học

 

Trao đổi với ông Lê Hồng Hà, thành viên của Hội Tin học Việt Nam, phóng viên tạp chí XHTT được biết, riêng việc BSA và IDC không đếm xỉa gì tới phần mềm mã nguồn mở đã là sự sai lầm tai hại, có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của báo cáo. Bởi đơn giản, phần mềm nguồn mở như hệ điều hành Linux hay ứng dụng văn phòng OpenOffice là những phần mềm hợp pháp. Với cách tính này, nếu Việt Nam dùng càng nhiều phần mềm nguồn mở thì tỷ lệ vi phạm bản quyền theo tính toán của BSA và IDC sẽ càng lớn. Thậm chí nếu 100% máy tính của Việt Nam dùng phần mềm nguồn mở, thì cũng có nghĩ tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm có thể sẽ là 100%.

 

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng cách tính tỷ lệ phần mềm trung bình cài trên mỗi máy tính áp dụng đồng đều cho tất cả các quốc gia là “ngây thơ, không thực tế”. Bởi theo ông Hà, giá trị phần mềm trên mỗi máy tính của Việt Nam sẽ thấp hơn các nước có điều kiện kinh tế phát triển cao hơn, như nước Mỹ, là một ví dụ dễ nhận thấy nhất. Hơn nữa, cách tính của báo cáo này cũng không tính đến những phần mềm được tặng miễn phí như các phần mềm và công cụ cho giáo dục (như chương trình Student Partner và MSDN AA của Microsoft tặng phần mềm miễn phí cho sinh viên), các phần mềm tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates cho dự án năng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập Internet trị giá 2,5 triệu USD được triển khai trong năm 2009.

 

Giới chuyên gia nhận định, BSA-IDC chưa tính đến, hay “có ý phớt lờ” những nỗ lực của Việt Nam như: khối cơ quan Chính phủ mua và sử dụng PMBQ, khối Giáo dục sử dụng BQPM miễn phí cao hoặc phí khoán thấp, khối doanh nghiệp chuyển biến mạnh về tôn trọng BQPM (doanh nghiệp lớn đã tuân thủ BQPM), nhận thức về BQPM cũng đang được nâng cao trong doanh nghiệp vừa & nhỏ và cộng đồng.  

 

Bên cạnh đó, BSA-IDC cũng không tính tới nhiều PM có bản quyền được cài đặt trên PC trên quan điểm PM có bản quyền đồng nghĩa với việc trả tiền bản quyền PM. Tỷ lệ vi phạm BQPM nếu không thay đổi trong vòng 3 năm sẽ là khó chấp nhận trong khi Chính phủ đã có các cam kết rõ ràng, Doanh nghiệp và người dân Việt Nam nỗ lực rất nhiều từ nhận thức, chính sách cho tới hành động trong việc giảm tỷ lệ vi phạm.
 

Tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng việc đánh giá chưa xác thực và thiếu khoa học về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam có thể gây ảnh hưởng xấu trong quan hệ thương mại quốc tế cũng như hình ảnh của đất nước.

 

“Con số 85% vi phạm bản quyền BSA và IDC đưa ra là một sức ép với Việt Nam”, ông Trương Anh Tuấn, giám đốc công ty tin học iWay nói. “Bởi như vậy, vô hình chung Việt Nam bị các nước liệt vào danh sách theo dõi đặc biệt về bản quyền”. Theo ông Tuấn, Việt Nam phải phản bác lại đánh giá của các tổ chức này nếu thấy họ sai hoặc không hợp lý. Còn nếu ngược lại, chúng ta phải đẩy mạnh tuân thủ bản quyền để hội nhập quốc tế.

 

Như vậy, Việt Nam cần có nghiên cứu đánh giá về vần đề tôn trọng BQPM riêng của mình để có những sở cứ thực tế giúp cho việc đánh giá hiện trạng vi phạm bản quyền, sao cho có được những đánh giá sát thực tế để góp phần tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Công thức đánh giá vi phạm BSA và IDC đưa ra:

 - Tỷ lệ vi phạm BQ(%) = Số PM sử dụng trái phép/ Tổng số PM x 100%,  trong đó:

 - Số PM sử dụng trái phép = Tổng số PM - Số PM được mua

- Tổng số PM = Số lượng PC x Số PM trung bình/PC

- Số PM được mua = Doanh thu ngành PM/ Giá trung bình của một hệ thống chuẩn. (USD).

- Giá trị PM không mua bản quyền = Giá trung bình của hệ thống chuẩn x Số PM sử dụng trái phép.

 
 

Chu Tấn

TIN LIÊN QUAN