Dấu ấn chuyển đổi số trong các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2022

16:49, 27/02/2023

Thực hiện chương trình làm việc toàn khoá, năm 2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức hai kỳ hội nghị lần thứ 5 và 6. Các hội nghị BCH Trung ương trong năm 2022 đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến những vấn đề lớn, cơ bản của đất nước. Trong nội dung các nghị quyết ban hành có dấu ấn mạnh mẽ yêu cầu chuyển đổi số của các cấp, các ngành, lĩnh vực từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quản lý đất đai, kinh tế tập thể, nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương V khoá XIII.

Hội nghị Trung ương năm khoá XIII diễn ra từ ngày 04-10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội đã thảo luận và thống nhất ban hành 4 nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 20-NQ/TW, 21-NQ/TW. Trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao đã đề ra mục tiêu phải chuyển đổi số mạnh mẽ “đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông”. Trong phần giải pháp thực hiện đặt ra vấn đề “hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản”. “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai”. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm quản lý hiệu quả đất đai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện quan điểm phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương cũng đặt ra yêu cầu phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số từ khâu quy hoạch, sản xuất, quảng bá, lưu thông, phân phối các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập, trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá”. Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phải tạo đột phá trong chuyển đổi số, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ dùng chung toàn ngành “đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Với Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu chuyển đổi số ngay từ quan điểm chỉ đạo. Trong quan điểm chỉ đạo thứ tư về định hướng chung phát triển kinh tế tập thể Trung ương yêu cầu “phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”. Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu dài hạn đến năm 2045 tất cả các tổ chức kinh tế tập thể đều phải áp dụng chuyển đổi số với các nội dung và hình thức khác nhau “các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ”.

Hội nghị Trung ương năm khoá XIII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Đây là Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng hướng tới tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị - cấp gần dân, sát dân nhất – hay còn gọi là cấp nền tảng của Đảng. Vấn đề mới phát sinh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là việc đảng viên ở cơ sở đi làm ăn xa, đi công tác, đảng viên sinh sống ở nước ngoài… không thể tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt đảng được bàn bạc và Trung ương quyết định ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết số 20-NQ/TW đưa ra giải pháp “thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở một số đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt”. Bên cạnh đó trong công tác quản lý đảng viên Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần ứng dụng công nghệ thông tin cho phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước đang chuyển đổi số mạnh mẽ “tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng, công tác quản lý đảng viên và sinh hoạt đảng phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bảo đảm đồng bộ, liên thông trong toàn Đảng”.

HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương VI khoá XIII.

Từ ngày 03 – 09/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII họp Hội nghị lần thứ sáu đã thảo luận và thống nhất thông qua 3 nghị quyết và 1 kết luận. Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả Trung ương yêu 1 trong 3 trụ cột của cải cách hành chính đó là hành chính điện tử và chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số. Ðơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số”. Như vậy để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới thì hoạt động chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số, xã hội số được đặt ra là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ban hành một nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng Đảng, đó là Nghị quyết số 28-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Để thực hiện quan điểm đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Trung ương đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số trong công tác đảng từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, quán triệt nghị quyết; chuyển đổi số trong tất cả các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tổ chức đảng và đảng viên: “Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, hình thức linh hoạt, phù hợp, tăng cường hội nghị chuyên đề trên các lĩnh vực. Sử dụng hài hòa hình thức trực tuyến với trực tiếp và tuyên truyền miệng; phát huy vai trò của cấp uỷ trong việc tổ chức học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng tại cấp mình”. “Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; mở rộng hình thức họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến; giảm hội họp không cần thiết… Xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, báo cáo trong Đảng, bảo đảm nhanh, chính xác, kịp thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị-Ảnh: Báo Nhân Dân.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Trung ương ban hành trong kỳ Hội nghị lần này thể hiện rõ nét nhất nội dung chuyển đổi số từ phần quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp.

Trong quan điểm chỉ đạo thứ 3, Trung ương xác định: “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Tại phần mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Trung ương cụ thể: “Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”. Tiếp đó trong phần một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Trung ương đặt ra yêu cầu cao với chuyển đổi số, kinh tế số: “Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử kinh tế số”. Từ đó Trung ương đặt ra tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á”.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nội dung chuyển đổi số được đề cập nhiều. Giải pháp thứ nhất về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định: “Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước”. Giải pháp thứ ba xác định một số lĩnh vực ưu tiên để xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng, trong đó có công nghệ số: “Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng:… công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử-viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn)”.

Năm 2022 các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nhiều quyết sách quan trọng, tác động đến tất cả các lĩnh vực, ngành của đời sống xã hội. Điểm nhấn trong các Nghị quyết lần này là đề cao, coi trọng chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên tất cả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đến phát triển kinh tế - xã hội; quản lý, sử dụng đất; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể; công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo Tạp chí in số tháng 1+2+3/2023