Đầu năm học mới bàn về đào tạo nhân lực 4.0
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi ngành giáo dục nhân dịp lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Tác giả Vũ Tuấn Anh chia sẻ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Lễ phát động cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc 2020 vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn ngành giáo dục tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những lời chia sẻ của tổng bí thư thể hiện cụ thể những tâm huyết của Hồ Chủ Tịch với sự nghiệp trồng người “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người“ trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.
Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến định hướng và cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Giáo dục cần phải giải bài toán cho những vấn đề trong hiện tại và tương lai. Giáo dục có trách nhiệm dạy cho mỗi cá nhân cần phải thay đổi và trước tiên giáo dục cần phải thay đổi chính bản thân trong bối cảnh 4.0. Tôi sẽ đóng góp những ý kiến trên phương diện phát triển nghề nghiệp và phát triển nhân lực – chuyên môn tôi mạnh nhất và mong các ý kiến đó sẽ đóng góp bổ sung thêm cho những định hướng giáo dục.
Giáo dục cần phải hướng tới giải quyết các vấn đề của tương lai một cách cụ thể. Giáo dục các cấp cần phải xem xét trong tương lai những ngành cụ thể nào của 4.0 tại Việt Nam đòi hỏi nhân lực như thế nào. Theo tôi giáo dục nên bắt đầu bằng những vấn đề hoặc thách thức của Việt Nam.
Giáo dục cần tập trung cho những ngành là thế mạnh hoặc thông dụng tại Việt Nam về nhân lực như công nghệ thông tin, nông nghiệp, may mặc và giày da. Giáo dục cần xem xét nhân lực 4.0 trong những ngành này thay đổi ra sao trong thời gian tới và có kế hoạch cụ thể để đào tạo và phát triển tại mọi cấp độ.
Trong đại dịch chúng ta đang thấy sự dịch chuyển rất mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn nước ngoài từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Xây dựng chuỗi cung ứng bao gồm logistics, nhà máy và các khu vực phụ trợ đòi hỏi tầm nhìn 20-30 năm đặc biệt với những chuỗi cung ứng lớn như Samsung, Toyota... Một trong những điểm quan trọng nhất, các tập đoàn lớn tìm kiếm chính là khả năng cung cấp bền vững và dài hạn nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp.
Doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất tỷ đô tại Việt Nam không chỉ nhìn vào sinh viên đại học mà còn vào những em học sinh vỡ lòng hay cấp 1 là lực lượng lao động tương lai 10-15 năm sau cho họ tại Việt Nam. Cuối cùng, giáo dục cần nhìn vào những chương trình lớn phát triển quốc gia như Chuyển Đổi Số- Make In Vietnam để có những định hướng phát triển nguồn nhân lực 4.0 cho các chương trình này. Chúng ta cần có sự kết nối giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ khác về yêu cầu nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã chỉ ra một lỗ hổng rất dai dẳng trong nguồn nhân lực Việt Nam – ngoại ngữ. Kết quả tốt nghiệp chỉ ra thực trạng đáng báo động về tiếng Anh- yêu cầu cốt tử cho cuộc cách mạng 4.0. Kết quả môn tiếng Anh như sau: Số lượng học sinh đạt điểm môn này dưới 5 là 63,13% và điểm trung bình môn tiếng Anh là 4,58 - thấp nhất trong các môn thi THPT năm nay.
Với trình độ tiếng Anh như vậy nguồn nhân lực rất khó khăn trong học tập do các em sẽ không đọc được tài liệu tri thức của 4.0 do các nước phát triển công nghiệp 4.0 chủ yếu sử dụng tiếng Anh. Các bạn trẻ với rào cản tiếng Anh sẽ không thể tham gia làm việc tại các tập đoàn và đáp ứng đòi hỏi nhân lực của các chương trình quốc gia Việt Nam dài hạn như chuyển đổi số, make In Viet Nam.
Vấn đề thứ hai đó chính là các năng lực lập trình và các ngành khoa học kỹ thuật khác cần được thúc đẩy rất sớm trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Nếu như chúng ta đòi hỏi nguồn nhân lực làm việc tinh thông về IoT, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo thì ngay từ lớp 1, các khái niệm này cần phải được đưa vào giáo dục thông qua các chương trình thực hành như STEAM.
Vấn đề thứ ba với nhân lực đáp ứng công nghiệp 4.0 chính là kỹ năng số khi mà thế hệ Z đang ngày càng sử dụng công nghệ số trong mọi mặt cuộc sống. Một ví dụ cụ thể đó chính là làm thế nào phòng chống tin giả hoặc lừa đảo công nghệ trên không gian ảo. Kỹ năng số cần được nghiên cứu, phát triển và đưa vào trong các nội dung đào tạo tại mọi cấp độ trong hệ thống giáo dục.
Vấn đề thứ tư với nhân lực tương lai đó chính là đổi mới sáng tạo. Mọi nhân lực tương lai chỉ có hai cách lựa chọn: trở thành creator / kiến tạo hoặc chỉ là những follower/ đi theo trong cuộc sống và làm việc hàng ngày. Trong thế giới tương lai khi robot, tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng, creator/ kiến tạo là yếu tố chủ đạo cho con người vượt lên máy móc.
Vấn đề cuối cùng của giáo dục thế hệ trẻ đó chính là tư duy và tâm thế. Chủ tịch và sáng lập tập đoàn Kyocera Inamori Kazuo có đưa ra công thức phát triển con người: “Thành quả trong cuộc đời và công việc = Cách tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực”. Ngày hôm nay trong đại dịch Covid 19 cũng như các thách thức trong tương lai sẽ tạo ra những áp lực vô cùng lớn cho thế hệ trẻ. Thế hệ Z sẽ chỉ có cách duy nhất đó là tự lực, tự cường chiến đấu để giải quyết bài toán của chính các em. Giáo dục cần truyền cảm hứng tạo động lực và thúc đẩy các bạn trẻ sở hữu những tâm thế đúng như làm chủ bản thân, tư duy phát triển growth mindset và quan trọng nhất tự mình phải chịu trách nhiệm cho chính mình.
Hệ thống giáo dục, nhà trường và thầy cô giáo cần làm những gì?
Như tôi đã trao đổi, nếu giáo dục kỳ vọng và có mục tiêu đào tạo nhân lực cho công nghiệp 4.0 thì bản thân ngành giáo dục cũng phải thay đổi tự thân nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi. Ví dụ đơn giản chúng ta thấy trong những năm trước đây, giáo dục rất dè dặt với đào tạo online tuy nhiên trong cả năm 2020, đào tạo online là bắt buộc vì các thách thức của dịch bệnh.
Kết quả giáo dục online cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết quả thi THPT vừa qua. Câu hỏi đặt ra cho ngành giáo dục “tại sao chúng ta không tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giáo dục online thay vì cố gắng quay lại giáo dục truyền thống trên lớp học vào những năm học tới?”.
Một ví dụ khác nữa đó là hàng năm chúng ta tốn rất nhiều tiền về sách giáo khoa truyền thống và câu hỏi tại sao chúng ta không sử dụng sách giáo khoa online. Cũng tương tự như vậy tại sao nền giáo dục không chuyển mình mạnh mẽ để thay đổi các kỳ thi truyền thống sang kỳ thi trực tuyến. Những câu hỏi và ví dụ như vậy sẽ giúp cho ngành giáo dục nhanh chóng chuyển đổi số sử dụng công cụ nền tảng công nghệ số trong đào tạo.
Nếu như bản thân đơn vị quản lý, nhà trường, thầy cô giáo không thay đổi chuyển đổi số chính bản thân và đơn vị của mình thì rất khó có thể thành công trong giáo dục phát triển nhân lực phục vụ cuộc cách mạng 4.0. Nói ngắn gọn, giáo dục cần chuyển đổi mạnh mẽ theo xu hướng 4.0 trước khi đào tạo phát triển nguồn nhân lực 4.0.
Vũ Tuấn Anh