Đẩy mạnh hiện thực hóa Chiến lược chuyển đổi số Báo chí
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây có thể coi là động lực to lớn, là nguồn sức mạnh thúc đẩy Báo chí Cách mạng Việt Nam chuyển mình phát triển theo hướng hiện đại trong xu thế chung của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hội nhập với nền báo chí thế giới.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và nhân dân trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi Báo chí Việt Nam phải đổi mới, tiếp thu các thành tựu khoa học - công nghệ, cùng đồng hành với chương trình chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng. Chính vì vậy, chuyển đổi số báo chí không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc nếu muốn phát triển nền báo chí Việt Nam.
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chiến lược đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.
Các nhóm giải pháp đã cho thấy, để hiện thực hóa Chiến lược, cần thiết phải triển khai các mô hình sản phẩm thông tin mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại mới. Về phát triển các sản phẩm báo chí số, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.
Phát triển các sản phẩm báo chí số cũng như thực hiện chuyển đổi số báo chí không thể thiếu việc phát triển nền tảng số. Nhiệm vụ đặt ra đối với việc phát triển nền tảng số trong công cuộc chuyển đổi số báo chí đó là: Xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử. Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
Động lực thúc đẩy chuyển đổi số báo chí
Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" có ý nghĩa trong việc tạo tiền đề quan trọng định hướng phát triển cho các cơ quan báo chí trong công cuộc chuyển đổi số. Ngày 8-5-2023 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tại kế hoạch hành động này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực thi của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, ở từng giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 2023-2025 có 8 chỉ tiêu gồm: Cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên nền tảng số trong nước) đạt 30% vào năm 2023; 50% vào năm 2024; 70% vào năm 2025. Cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động đạt 20% năm 2023; 30% vào năm 2024; 50% năm 2025. Cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số đạt 30% năm 2023; 50% năm 2024; 80% vào năm 2025. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, tăng doanh thu tối thiểu đạt: 5% cơ quan báo chí tăng doanh thu 5% vào năm 2023; 15% cơ quan báo chí tăng doanh thu 10% vào năm 2024; 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu 20% vào năm 2025. Các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên: Đạt 80% vào năm 2023; 95% vào năm 2024; 100% vào năm 2025. Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí đạt 40% vào năm 2023; 70% vào năm 2024; 100% vào năm 2025. Cơ quan báo chí điện tử có giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên đạt 40% vào năm 2023; 70% vào năm 2024; 100% vào năm 2025. Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí được hoàn thành vào năm 2025, với các nền tảng: Phát thanh số, truyền hình số, báo chí điện tử.
Ở giai đoạn 2026-2030 có 4 chỉ tiêu. Trong đó, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…
Trong tháng 6/2023, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trung tâm là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số. Kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, các lãnh đạo của các cơ quan báo chí lớn có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc chuyển đổi số báo chí đặt ra. Hỗ trợ thiết thực với các hoạt động như đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số. Nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí là xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị/hội thảo/diễn đàn về chuyển đổi số báo chí; cung cấp thông tin, tài liệu về chuyển đổi số báo chí cho các cơ quan báo chí như kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số báo chí thành công; các hoạt động hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số...).
Trung tâm còn kết nối cơ quan báo chí với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ để có những hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số báo chí. Triển khai các nhiệm vụ, biện pháp an toàn, an ninh cho hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí theo quy định. Hỗ trợ, hướng dẫn cơ quan báo chí xây dựng, thực hiện quy định pháp luật về tài chính liên quan đến thực hiện chuyển đổi số. Tổ chức khảo sát, ghi nhận các mô hình chuyển đổi số báo chí; biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến chuyển đổi số báo chí. Hợp tác trao đổi, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh, có cơ quan báo chí. đã chuyển đổi số thành công.
Tại đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho ra mắt Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn do Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí là đầu mối xây dựng và vận hành, được tích hợp công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm phục vụ công tác đánh giá, xác định mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí Việt Nam./.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. |
Thành Nam (T/h)