Đẩy mạnh phát triển ứng dụng blockchain trong lĩnh vực ngân hàng
Blockchain đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng…Tuy nhiên, phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng - Ảnh:VGP/HT.
Đó là thông tin được TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đưa ra tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức ứng dụng blockchain vào vận hành trong ngành tài chính-ngân hàng" diễn ra ngày 26/10 tại Hà Nội, do VNBA phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức. Tại đây, các diễn giả, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận để tìm hiểu những cơ hội, thách thức cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Các chỉ số blockchain tăng trưởng mạnh
Theo Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, với đặc tính phi tập trung, công nghệ blockchain (chuỗi khối) đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật… Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ này và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...
"Nếu như năm 2021 được xem là một năm thảm hoạ cho nền kinh tế thế giới khi phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 thì đây lại là năm bùng nổ của lĩnh vực blockchain. Trong năm qua, các chỉ số blockchain trên thế giới đều tăng trưởng mạnh. Theo CB Insights, lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực này cũng tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021", TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.
Tại Việt Nam, blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt.
Blockchain đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng… Chính vì thế, blockchain đang dần được thấu hiểu đó chính là công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như lầm tưởng trước đây…
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho thấy, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau…Ngân hàng BIDV tiên phong ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, MB, VPBank, Vietcombank... cũng đã công bố ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính. Một số doanh nghiệp khác cũng ứng dụng thành công blockchain vào kinh doanh, như: Masan Group, Bảo Việt, AIA…
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockhain Việt Nam - Ảnh:VGP/HT.
Giải quyết nhiều thách thức để phát triển thị trường Việt Nam
Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện tại, blockchain mới chỉ ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Ngoài một vài dự án tiền mã hóa (crypto) và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật. Những tiềm năng khác của công nghệ blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… chưa được ứng dụng nhiều.
Mặt khác, việc phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm và cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có bất kì một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này.
Thị trường bockchain Việt Nam cũng đang xảy ra các sự vụ tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ chuỗi khối này, từ những tác hại của việc đào bitcoin, những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về blockchain tham gia vào sàn tiền ảo…
"Công nghệ blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển nên những hạn chế là khó tránh khỏi, nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận, còn nhiều những ưu điểm chưa được khai thác và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ blockchain", đại diện VNBA chia sẻ thêm.
Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết có nhiều thách thức ứng dụng blockchain cho ngân hàng một phần do rào cản chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, tích hợp. Chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin.
Các nền tảng blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng blockchain gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.
Còn đại diện Hiệp hội blockchain cho rằng, tại một số diễn dàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại chính cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. Mặc dù vậy, có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain.
Phần lớn các ý tưởng ứng dụng công nghệ blockchain đang tập trung vào các lĩnh vực tài sản số, tiền số, huy động vốn. Đây là các lĩnh vực có rủi ro rất cao, vì vậy, cần xây dựng cơ chế Sandbox để thử nghiệm.
Về mặt này Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, đề xuất, triển khai. Nhưng do có độ rủi ro cao, các cơ quan này đều đang tiến hành rất thận trọng.
Ngoài lĩnh vực nói trên, thực tế, một số ứng dụng blockchain tại Việt Nam đã được triển khai mà chưa đòi hỏi phải có thay đổi lớn về quy định pháp lý như các ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng giao dịch thư tín dụng (LC), bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử.
Blockchain là một công nghệ chung khi áp dụng vào mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ có thể có các vướng mắc riêng về quy định, pháp lý ứng với từng lĩnh vực. Vì vậy khó có giải pháp chung hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain mà cần có các ý tưởng, đề xuất cụ thể cho từng lĩnh vực riêng biệt.
Đồng quan điểm, nhiều diễn giả tại Hội thảo cũng cho rằng, để thị trường công nghệ blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao…
Nhân dịp này, nhằm gia tăng cơ hội, giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, tại Hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockhain Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ