"Sân chơi lớn" blockchain rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời

17:03, 05/08/2022

Sáng 5/8, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Đại diện Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và một số đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Singapore, Campuchia và các chuyên gia trong lĩnh vực chuỗi khối blockchain tham dự Hội thảo.

Hội thảo nhằm tìm hiểu và tăng cường kinh nghiệm, chuẩn hóa giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain, hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến công nghệ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về phát triển kinh tế số, công nghệ blockchain; những vấn đề đặt ra và khuyến nghị chính sách, pháp luật cho Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công nghệ blockchain là một loại cơ sở dữ liệu, thông tin được lưu trữ trong các khối và liên kết với nhau. Thông tin trong khối, các liên kết sẽ được mã hóa, đồng thời có thể mở rộng theo thời gian. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới.

Có thể ví blockchain như một cuốn sổ cái ghi lại toàn bộ dữ liệu trong hệ thống. Blockchain khác với các dữ liệu thông thường ở cấu trúc lưu trữ dữ liệu. Blockchain sẽ thu thập thông tin dữ liệu và nhóm chúng thành các khối chứa tập hợp nhiều thông tin. Blockchain đang được ứng dụng ở 65 lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán và quỹ, bảo hiểm, quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng…

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh công nghệ chuỗi khối blockchain đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các thành phần kinh tế-chính trị và xã hội trên thế giới khi công nghệ này đã cách mạng hóa thương mại truyền thống do tính năng sổ cái, mọi bản ghi trong sổ cái này đều được bảo mật bằng các quy tắc mật mã giúp thông tin được an toàn, không bị giả mạo.

Việc ứng dụng công nghệ blockchain tạo ra nhiều lợi ích trong việc tăng hiệu quả quy trình lành việc, lưu trữ dữ liệu, quản lý việc cung cấp hàng hóa, giảm lỗi trong luồng tài liệu, thời lượng, giảm thời gian của chu trình hậu cần.

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, với chính sách ngày càng thuận lợi, mức độ quan tâm của doanh nghiệp ngày càng tăng, thị trường blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục phát triển tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cùng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới đã xây dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực cung cấp nền tảng ứng dụng blockchain.

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, đại diện đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, tạo lập hành lang pháp lý phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain trong thực tiễn.

Bà Pamnella Devolder, Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, chia sẻ chính sách của Hoa Kỳ đối với blockchain là khuyến khích đổi mới sáng tạo và đầu tư, không nên tạo ra các rào cản không cần thiết…

Nhấn mạnh tiền kỹ thuật số là ứng dụng phổ biến nhất của blockchain, bà Pamnella Devolder cho biết chính quyền Hoa Kỳ rất chú trọng đến chống rửa tiền, chống khủng bố, chống gian lận lừa đảo trên không gian mạng… Để giải quyết các quan ngại này, liên quan đến tiền mã hóa và tài sản số, Hoa Kỳ đã ban hành các sắc lệnh điều hành về đảm bảo phát triển có trách nhiệm các tài sản kĩ thuật số, bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp; đảm bảo ổn định tài chính, giảm thiểu rủi ro.

Ông Hidaka Yoshihito, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản, cho biết vào năm 2016, nước này đã sửa đổi Luật Dịch vụ thanh toán và Luật Phòng, chống chuyển tiền từ nguồn thu phạm pháp, qua đó đưa tài sản mã hóa đặt dưới sự quản lý của quy định pháp luật… Tuy nhiên, do hiện tượng phát sinh các vụ về rò rỉ tài sản mã hóa sau khi đã có các quy định sửa đổi, vào năm 2019, Nhật Bản đã một lần nữa tiến hành sửa đổi các luật liên quan.

Cho biết Thụy Sĩ là một quốc gia tiền điện tử, ứng dụng công nghệ blockchain rộng khắp, thu hút cả các doanh nghiệp khởi nghiệp và hàng trăm triệu USD đầu tư, bà Nicole Wyrsch - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, nêu bật các nguyên tắc định hướng các cơ quan quản lý nhà nước nêu ra để quản lý công nghệ mới này.

Theo bà Nicole Wyrsch, một trong các nguyên tắc rất quan trọng là đảm bảo các điều kiện khung không cản trở hoạt động đổi mới công nghệ, cần phải thân thiện với hoạt động đổi mới công nghệ.

Nhấn mạnh việc ứng dụng blockchain mang tính xuyên quốc gia, bà Nicole Wyrsch cho rằng, các nước cần tăng cường hợp tác, nỗ lực cao nhất để giảm thiểu rủi ro, chống lại tất cả hoạt động tài trợ khủng bố, rửa tiền; phân biệt rõ ràng giữa tài sản mã hóa và blockchain; có quy định rõ ràng về quản lý tiền mã hóa.

Tao hanh lang phap ly cho phat trien cong nghe blockchain o Viet Nam hinh anh 2Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến, "sân chơi lớn" blockchain rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời.

Với mục tiêu Việt Nam không bị "bỏ lại phía sau" và chậm nhịp so với sự phát triển về công nghệ của nhiều nước, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh đến chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, theo đó nhấn mạnh cần "phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo", đồng thời đặt ra yêu cầu đổi mới tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới mục tiêu "đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP, năm 2030 khoảng 30% GDP".

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng ngoài những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, cần thiết có sự đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đang trong tiến trình số hóa cũng như các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, giám sát việc thực hiện của Chính phủ về ngân sách và các cam kết quốc tế, nghị quyết, văn bản pháp luật khác của Quốc hội về các chính sách phát triển nền kinh tế số.

Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số cho biết, chủ trương, chính sách ứng dụng, phát triển công nghệ blockchain đã được nêu trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; và các văn bản chính sách khoa học công nghệ ưu tiên phát triển.

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, blockchain là từ khóa công nghệ ở Việt Nam trong 5 năm qua. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trên nền tảng blockchain. Để phát triển blockchain lành mạnh ở Việt Nam, ông Phạm Quốc Hoàn chia sẻ với khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo đó là xây dựng lộ trình/khung khổ phát triển blockchain quốc gia, trong đó xác định rõ khung pháp lý cho tài sản số/đầu tư tài sản số, việc ứng dụng blockchain cho các ngành, lĩnh vực và phát triển nguồn nhân lực blockchain.

PV