Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành GTVT
Ngày 16/5, Trường Đại học GTVT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị khoa học và công nghệ giao thông vận tải lần 5 với các chủ đề phát triển giao thông vận tải theo hướng bền vững.
Đây là hội nghị nhằm triển khai các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để nhà trường nhìn lại các hoạt động khoa học công nghệ của trường trong thời gian qua.
Hội nghị ưu tiên chia sẻ thông tin về các thành tựu mới trong KHCN, mô hình đào tạo, quản lý, định hướng phát triển giao thông vận tải theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành GTVT.
Năm nay, Hội nghị đã thu hút được 125 bài tham luận từ các nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc 05 lĩnh vực chính, bao gồm: Kỹ thuật xây dựng và môi trường, Điện – Điện tử – Công nghệ thông tin; Cơ khí động lực – Khoa học hàng hải, Kinh tế – Quản lý, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Nội dung xoay quanh các chủ đề khoa học hiện đại như: năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, vật liệu xây dựng mới hay an ninh mạng.
Ông Nguyễn Xuân Phương, hiệu trưởng nhà trường khẳng định, để đạt được các thành tựu và kết quả nghiên cứu chất lượng cao, xếp hạng 8/100 Trường đại học của Việt Nam về công bố khoa học là sự nổ lực của tập thể nhà trường.
Hội nghị hôm nay đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần nghiên cứu khoa học trong toàn trường, đặc biệt tại các khoa: Giao thông vận tải - Kỹ thuật xây dựng và môi trường; Khoa Điện – Điện tử, Viễn thông – Công nghệ thông tin – Tự động hóa – Trí tuệ nhân tạo; Khoa cơ khí động lực - Khoa học hàng hải; Kinh tế – Quản lý; Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trong số các đề tài, nghiên cứu khoa học, đáng chú ý là đề tài: “Đặc điểm dòng chờ phương tiện tại nút giao đèn tín hiệu trong điều kiện dòng xe nhiều xe máy tại TP.HCM”.
Đây là đề tài ghiên cứu của giảng viên Đoàn Hồng Đức, Trường ĐH GTVT TP.HCM, mô tả về hành vi thoát nút của các phương tiện tại nút giao đèn tín hiệu, nhằm có cái nhìn trực quan và hiểu rõ hơn về đặc điểm của dòng phương tiện trong dòng giao thông hỗn hợp mà xe máy chiếm ưu thế.
Theo ông Đức, trong điều kiện giao thông nhiều xe máy, việc xác định lưu lượng tại các nút giao nhiều khó khăn. Xe máy thoát nút ồ ạt và nhanh hơn nhiều các phương tiện khác. Do đó áp dụng kỹ thuật đếm từng khung hình, mỗi pha đèn được chia nhỏ trong khoảng 3 giây…
Nghiên cứu này ứng dụng kỹ thuật xử lý hình ảnh, sử dụng UAV để ghi hình nút giao ở cao độ thích hợp để thu thập dữ liệu về lưu lượng và thời gian thoát nút. Nghiên cứu cũng ứng dụng ưu điểm của những phương pháp khác nhau để đánh giá các thông số khác nhau nhằm mô tả hiệu quả những đặc điểm của dòng giao thông thoát nút trong điều kiện giao thông hỗn hợp nhiều xe máy.
Nghiên cứu sẽ tính toán tốc độ, vận tốc thoát nút của xe máy, trên cơ sở đó sẽ có nghiên cứu sâu hơn để điều chỉnh các nút đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại các nút giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Hội nghị thu hút 125 bài báo được các tác giả gửi đến từ hơn 15 trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế, khẳng định sự quan tâm của các nhà khoa học đến sự phát triển của lĩnh vực giao thông vận tải trong tương lai.
Khôi Nguyên (T/h)