Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam
Trong tương lai không xa, cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam cũng sẽ hình thành, góp phần khắc phục những khó khăn trong quản lý và khai thác tài liệu về lễ hội.
Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021- 2025. Đây được coi một cuộc 'tổng kiểm kê' cần thiết nhằm quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.
Trong bối cảnh các hoạt động lễ hội ngày càng gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, góp phần bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, việc xây dựng Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là cần thiết nhằm quản lý, thống nhất chuyên môn về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.
Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian), lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những loại hình lễ hội đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ- CP về quản lý và tổ chức lễ hội. Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở cho biết: “Mặc dù số lượng nhiều, loại hình đa dạng nhưng lễ hội tại Việt Nam hiện nay chưa có một đề án nào ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nên việc quản lý và khai thác tài liệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc số hóa lễ hội sẽ phục vụ hiệu quả công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam...”.
Lần đầu tiên số hoá lễ hội tại Việt Nam.
Theo đề án, việc tổ chức thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin phải được thực hiện theo đúng quy định; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót các thông tin quy định trong phương án điều tra; bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định.
Lần đầu tiên, những công nghệ hiện đại của thời 4.0 được sử dụng nhằm thu thập các thông tin cơ bản, rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội trong cả nước để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam. Đề án số hóa dữ liệu lễ hội cũng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong hoạt động lễ hội.
Đề án sau khi hoàn thiện sẽ chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Theo đó, những dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội truyền thống Việt Nam.
Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021-2022, với các công việc: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống. Giai đoạn II từ 2023- 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành.
Lâu nay, dư luận và báo chí vẫn nêu con số hơn 8.000 lễ hội đang tồn tại ở Việt Nam, tuy nhiên đây là con số được đưa ra trên cơ sở các địa phương thống kê với những phương pháp khác nhau, tiêu chí chưa rõ ràng. Do vậy, cần có một cuộc “tổng kiểm kê” với những tiêu chí được xây dựng đảm bảo tính khách quan, chính xác. Điều này rất cần thiết đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay…
Phương Mai (T/h)