Đề nghị các địa phương ủng hộ khôi phục vận tải đường bộ, đường sắt
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải khách trên các lĩnh vực.
48 địa phương đã đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ cho biết với vận tải khách đường bộ, từ ngày 13 - 18/10, có 48 địa phương đã đồng ý khôi phục hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh. 15 sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến.
38 địa phương đã tổ chức khai thác với tổng số tuyến đăng ký là 793. Trong đó, số tuyến thực chạy là 588. Số chuyến đăng ký hoạt động/ngày là 1.970. Số chuyến hoạt động thực tế là 1.037. Số xe hoạt động là 944. Số khách vận chuyển là 5.641
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cũng đã tổ chức chạy tàu Hà Nội - TP Hồ Chí Minh với tần suất 2 đôi tàu/ngày đêm.
Tính đến ngày 17/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy 16 chuyến tàu với 9.651 hành khách. Trong đó, riêng tuyến Hà Nội - Hải Phòng 1 đôi tàu/ngày đêm, bình quân 1 chuyến tàu có 126 hành khách. Tổng cộng, đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 10 chuyến tàu với 1.263 hành khách.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, quá trình thí điểm vận tải khách liên tỉnh còn tồn tại những khó khăn, như: việc yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 khó thực hiện, vì lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 mũi, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi còn thấp, dẫn đến lượng khách từ các tỉnh nhỏ đi các thành phố lớn hoặc các tỉnh lớn không cao.
Một số tỉnh, thành phố thuộc vùng xanh, nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch COVID-19 và chưa cho hoạt hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vào hoạt động bình thường; tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng, nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng; nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương...
Trong thời gian thí điểm và quá trình khai thác tuyến, việc kiểm soát hành khách lên - xuống xe dọc đường còn gặp nhiều khó khăn. Tồn tại tình trạng đón, trả khách dọc đường, không đúng tại các điểm dừng nghỉ, hoặc việc kiểm soát ra - vào đối với phương tiện vận tải hành khách từng địa phương có các quy định chưa thống nhất.
Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh, thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, nhưng việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời. Đến nay mới chỉ có một số tỉnh, thành phố công bố cấp độ dịch, dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương còn lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với hoạt động vận tải theo quy định.
"Việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc, mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng, gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp", Bộ GTVT cho biết.
Về kế hoạch khai thác trong thời gian tới đối với vận tải đường bộ và đường sắt áp dụng từ ngày 21/10, Bộ GTVT đề xuất, vận tải hàng hóa bằng đường sắt thực hiện theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố theo quy định.
Vận tải hành khách đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày, đêm từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. Trên khu đoạn Hà Nội - Vinh chạy 1 đôi tàu/ ngày, đêm. Trên đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày, đêm. Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày, đêm.
Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo về kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới của Bộ GTVT.
Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải hành khách trên các lĩnh vực; công bố kịp thời cấp độ dịch tại các địa phương để sở GTVT các địa phương tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế; có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải.
Thùy Chi (T/h)