Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) đề nghị nâng mức trợ cấp thất nghiêp hàng tháng, đồng thời điều chỉnh thời gian hưởng theo số năm đóng nhằm đảm bảo những người đã tham gia nhiều năm được hỗ trợ tương xứng, có điều kiện duy trì cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.
Trợ cấp thất nghiệp không đủ trang trải cuộc sống
Mẹ già ốm yếu cần người chăm sóc, hai con nhỏ học tiểu học cần phải đưa đón trong khi mức lương công nhân may lại thấp không thể thuê người giúp việc, chị Nguyễn Thị Hải (Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc mẹ và đưa đón các con. “Tháng đầu tiên, tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 2,9 triệu đồng nhưng không thấm vào đâu so với chi tiêu của gia đình”, chị Hải chia sẻ.
Theo chị Hải, trong điều kiện mọi thứ đều đắt đỏ hiện nay, số tiền gần 3 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp chỉ đủ chi tiền ăn uống, quần áo, học phí cho các con. Nhiều nhu cầu chi tiêu khác chị phải đi vay hoặc trông vào tiền lương của chồng, trong khi chồng chị Hải thu nhập cũng không cao. Vì thế, dù có tiền trợ cấp thất nghiệp, chị Hải cũng không dám nghĩ đến các nhu cầu nghỉ ngơi hay học nghề theo diện hưởng trợ cấp.
Để có thêm thu nhập trong lúc nghỉ việc, chị Hải phải nhận may gia công quần áo tại nhà. Chị mong muốn Nhà nước sẽ điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức lương tối thiểu vùng để số tiền trợ cấp có thể hỗ trợ thực sự cho người lao động khi phải nghỉ việc.
Giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Tương tự, sau khi nghỉ việc, nhận được mức trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên là hơn 2,8 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Tuấn (Hoài Đức, Hà Nội) đã tự nhủ phải tính toán cẩn thận để không bị hao hụt song số tiền này cũng chỉ đủ đảm bảo chi tiêu cho riêng bản thân. “Chi phí ăn uống bây giờ đơn giản cũng 1,5 triệu đồng/người, cộng thêm điện, nước, quần áo, sinh hoạt cá nhân khoảng hơn 1 triệu đồng nữa. Cầm gần 3 triệu đồng trong tay nhưng tôi chẳng giúp ích được gì cho gia đình”, anh Tuấn ngậm ngùi nói.
Theo anh, với những gia đình cả vợ và chồng đều thất nghiệp, mức hưởng này thực sự sẽ khiến cuộc sống thêm áp lực. Nghĩ về mức lương đóng bảo hiểm hàng tháng gần 4,8 triệu đồng, anh Tuấn càng cảm thấy thiệt thòi. Theo anh Tuấn, mức hưởng phải bằng mức đóng hoặc tối thiểu 75% mới đáp ứng được cuộc sống cho người lao động khi mất việc. Cũng theo anh Tuấn, với những người mới đi làm, mức lương đóng bảo hiểm hơn 4 triệu đồng đến khi hưởng thất nghiệp chỉ được hơn 2,3 triệu đồng chắc chắn phải khắt khe chi tiêu hoặc phải làm thêm mới đảm bảo được cuộc sống.
Câu chuyện của chị Hải và anh Tuấn không phải là cá biệt. Theo nhiều NLĐ, với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp như hiện nay rất khó đảm bảo cuộc sống nếu bị thất nghiệp.
Trao đổi tại buổi tọa đàm “Bảo hiểm thất nghiệp: Những điểm mới trong chính sách và chế độ cho cán bộ, công chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ Nội vụ) cho biết, Luật Việc làm hiện hành quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định.
"Chúng ta tiến tới đóng bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thu nhập nhưng hiện tại đang đóng theo lương tối thiểu (gồm cả phụ cấp), bình quân mức đóng là khoảng 6 triệu đồng/tháng, nên khoản thực nhận chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cả gia đình NLĐ khi mất việc", ông Tú nói.
Đề xuất nâng mức trợ cấp thất nghiệp
Cũng tại tọa đàm này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng cần đánh giá mức trợ cấp thất nghiệp dựa trên số tiền thực nhận, thay vì chỉ nhìn vào tỷ lệ phần trăm. "Tỷ lệ 60% có thể là cao, nhưng thực tế NLĐ chỉ nhận hơn 3 triệu đồng mỗi tháng - con số quá thấp để một gia đình công nhân nuôi con có thể trang trải cuộc sống khi mất việc", bà Ngân nói.
Theo bà Ngân, khi mất việc, đa phần NLĐ buộc phải đi tìm việc mới ngay hoặc chuyển sang lao động tự do như chạy xe ôm công nghệ, buôn bán, chợ búa, rất ít người có điều kiện học nghề. Do đó, nếu trợ cấp chỉ mang tính tượng trưng, không đủ duy trì cuộc sống, sẽ khó tạo động lực để NLĐ quay lại thị trường.
"Trợ cấp thất nghiệp phải giúp NLĐ cầm cự một thời gian để tìm việc hoặc học nghề. Nếu chính sách đóng - hưởng không tương xứng, sẽ rất khó thu hút người lao động tham gia", bà Ngân nhấn mạnh, đồng thời đề xuất chính sách cần hướng tới bảo vệ việc làm ngay từ đầu, thay vì chỉ hỗ trợ sau khi đã mất việc.
Trước đó, Công đoàn Việt Nam đã kiến nghị nâng mức trợ cấp hằng tháng lên 75% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc, đồng thời đề xuất điều chỉnh thời gian hưởng theo số năm đóng thay vì quy định cứng tối đa 12 tháng. Điều này nhằm đảm bảo những người đã tham gia nhiều năm được hỗ trợ tương xứng, có điều kiện duy trì cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều công nhân đề nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp vì số tiền hiện tại quá thấp. "NLĐ cần chính sách phòng ngừa thất nghiệp - tức giữ được việc làm hơn là chỉ nhận trợ cấp sau khi mất việc", bà Nga nói và cho rằng cần mở rộng phạm vi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến cả nhóm lao động chưa thuộc diện bắt buộc.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai từ năm 2009 với bốn chế độ chính: trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau hơn 15 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế về độ bao phủ, phần lớn NLĐ chỉ quan tâm đến nhận tiền trợ cấp mà chưa mặn mà với học nghề hay hỗ trợ việc làm.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục các khoảng trống này. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV vào ngày 11/6 tới.