Đề xuất thí điểm mô hình "mỗi doanh nghiệp, một nhà nghiên cứu"

11:01, 17/01/2025

Viện Khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thí điểm thực hiện mô hình "mỗi doanh nghiệp, một nhà nghiên cứu" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Đề xuất được đưa ra tại kỳ họp Hội đồng VKIST lần thứ nhất năm 2025, tổ chức ngày 16/01/2025 tại trụ sở Bộ KH&CN.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng VKIST nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cùng xây dựng và đầu tư cho ngành công nghiệp, đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững.

Thứ trưởng khẳng định vai trò của VKIST như một hình mẫu tiêu biểu trong hệ thống tổ chức KH&CN và cho rằng, các mô hình hoạt động thành công từ VKIST sẽ được chọn và áp dụng nhằm cải thiện mô hình tổ chức KH&CN công lập, hướng tới việc chuyển đổi và vận hành theo các thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng đề nghị mở rộng và triển khai mô hình "mỗi công ty - một nhà nghiên cứu," trong đó các chuyên gia hàng đầu từ VKIST sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để phân tích quy trình sản xuất, nhận diện các điểm hạn chế và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ. Chương trình này sẽ được thí điểm, đánh giá và đưa vào Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) như một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại kỳ họp.

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, ông Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST đã chia sẻ về những thành tựu quan trọng mà VKIST đạt được trong năm qua. Cụ thể, VKIST đã triển khai 35 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Các kết quả đạt được bao gồm một bằng sáng chế được cấp tại Hàn Quốc cùng 16 công nghệ sẵn sàng chuyển giao, trong đó 8 công nghệ đã được các doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất.

Nhấn mạnh định hướng phát triển trong năm 2025, ông Vũ Đức Lợi cho biết, VKIST sẽ tập trung vào các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST có tính ứng dụng cao, đồng thời tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và tập trung vào công nghệ mới. 

Ông Vũ Đức Lợi cũng đề xuất Bộ KH&CN và Hội đồng VKIST cho phép VKIST triển khai thí điểm một số mô hình và cơ chế mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN như: Áp dụng cơ chế giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm; Đề xuất triển khai giai đoạn 2 của dự án hợp tác với Hàn Quốc, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và vi mạch - bán dẫn.

Ông Vũ Đức Lợi báo cáo một số kết quả nổi bật của VKIST trong năm 2024.

Phát biểu tại kỳ họp, TS. Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST,  nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành lang pháp lý trong việc xây dựng và vận hành các tổ chức KH&CN. Theo ông, VKIST là tổ chức công lập được thành lập theo mô hình thí điểm tại Nghị định số 50/2015/NĐ-CP, và qua nhiều năm hoạt động đã xuất hiện những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.

TS. Nguyễn Quân nhận định, các vấn đề như giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế chuyển giao công nghệ, và cơ chế tài chính dành cho các hoạt động nghiên cứu KH&CN cần được rà soát và thay đổi. Việc hoàn thiện những cơ chế này không chỉ giúp VKIST hoạt động hiệu quả hơn mà còn đặt nền tảng để nhân rộng mô hình này cho các tổ chức KH&CN công lập khác.

Lấy cảm hứng từ mô hình Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), TS. Nguyễn Quân đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động của VKIST. “Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò là khách hàng đặt hàng nghiên cứu mà còn là đối tác chiến lược trong việc triển khai và tiêu thụ sản phẩm KH&CN. Để đạt được điều này, VKIST cần có chính sách đột phá trong việc kết nối với doanh nghiệp và xây dựng các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nghiên cứu”, ông nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST cho rằng, để xây dựng một tổ chức KH&CN tiên tiến, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân tài. VKIST phải xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo môi trường làm việc thuận lợi để khuyến khích sự sáng tạo và cống hiến của đội ngũ nghiên cứu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện mô hình “nghiên cứu theo nhu cầu thị trường” trong đó doanh nghiệp có thể đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể hoặc tham gia các dự án hợp tác. Đồng thời, VKIST cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với Hàn Quốc, trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và năng lượng. VKIST cần tham gia tích cực hơn vào các hoạt động chuyển giao công nghệ như "chợ công nghệ" và "tư vấn công nghệ" để đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với thị trường và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp chụp ảnh lưu niệm.