DeepSeek truyền cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ, giá cổ phiếu AI tại Nhật Bản tăng vọt
Hoà chung với xu hướng thế giới, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp sản xuất phần cứng tại Nhật Bản giảm mạnh. Ngược lại, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp phần mềm lại dường như "cất cánh"...
Kỳ tích của startup Trung Quốc DeepSeek trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi động lực thị trường, khi các công ty phần mềm như NEC thay thế nhà sản xuất phần cứng trở thành lực đẩy chính trên thị trường cổ phiếu AI Nhật Bản, theo Kr Asia.
Sự xuất hiện của DeepSeek như tiếp thêm sức mạnh cho một số nhà phát triển như startup Preferred Networks, một trong những công ty AI hàng đầu Nhật Bản.
"Chỉ cần nhóm kỹ sư đủ tài năng làm việc trong khoảng sáu tháng đến một năm, ngay cả những công ty sở hữu ít GPU cũng có thể sao chép được công nghệ mới", ông Daisuke Okanohara, Giám đốc Nghiên cứu Preferred Networks, cho biết, ám chỉ đến các đơn vị xử lý đồ họa, được coi là quan trọng đối với sự phát triển của AI tạo sinh.
Cổ phiếu công nghệ tăng mạnh
Thị trường chứng khoán cũng có những thay đổi nhất định. So với mức giá cổ phiếu ngày 5/2 và ngày 24/1, trước khi mô hình của DeepSeek được công bố rộng rãi, nhóm công ty sản xuất phần cứng như nhà sản xuất cáp điện Fujikura và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest lần lượt giảm 14% và 16%.
Trong khi đó, NEC tăng 17% và Viện Nghiên cứu Nomura tăng 15%. Cả hai công ty đều tập trung phát triển phần mềm AI, lọt top 5 doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng mạnh theo bảng xếp hạng của Nikkei Stock Average.
Sự quan tâm ở thị trường Nhật Bản có vẻ lớn hơn Hoa Kỳ. Dựa trên phép tính đơn giản về biến động giá cổ phiếu phần mềm từ ngày 24/1, theo dữ liệu QUICK FactSet, cổ phiếu công nghệ Hoa Kỳ tăng trung bình 1% tính đến ngày 4/2, trong khi cổ phiếu Nhật Bản tăng 8% tính đến ngày 5/2.
NEC là ví dụ điển hình cho những kỳ vọng này. Công ty đứng thứ mười thế giới về số lượng bài báo được gửi đến hội nghị AI quốc tế danh tiếng. NEC cũng đang phát triển và sử dụng mô hình AI hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí.
"Chúng tôi kỳ vọng dịch vụ AI trong nước của NEC sẽ được sử dụng rộng rãi hơn và cải thiện được doanh thu", ông Kosei Mikuni từ Nissay Asset Management cho biết. Nissay quyết định đưa cổ phiếu NEC vào nhóm quỹ chủ động như một cổ phiếu hàng đầu.
Sau khi DeepSeek xuất hiện, cổ phiếu công nghệ phần mềm tại Nhật Bản “lên ngôi”.
Triển vọng thị trường
DeepSeek thành công phát triển mô hình AI sánh ngang với một số đối thủ Hoa Kỳ với chi phí khiêm tốn. Thành tựu sáng tạo này sinh ra từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, ngăn doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mua các dòng chip tiên tiến. Nhật Bản cũng gặp phải tình huống tương tự, các nhà phát triển Nhật Bản đang gặp khó trong việc mua GPU tiên tiến nhưng do thiếu nguồn vốn, không phải do hạn chế xuất khẩu.
Nhìn vào tỷ lệ doanh thu theo khu vực của Nvidia, nhà cung cấp chip AI tiên tiến, trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2024, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45%, tiếp theo là Singapore với 19%, Đài Loan 17% và Trung Quốc 13%. Nhật Bản không được ghi nhận là một trong số quốc gia và khu vực chiếm 6% thị phần còn lại. NEC chủ yếu sử dụng sản phẩm AI tạo sinh Nvidia Blackwell từ hai thế hệ trước.
Theo JP Morgan, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI tạo sinh tại Trung Quốc là 85% và Hoa Kỳ 84%, trong khi ở Nhật Bản chỉ có 47% công ty sử dụng công nghệ này. Việc chậm trễ ứng dụng AI cũng mang lại nhiều cơ hội cho các công ty liên quan tại Nhật Bản trong việc tăng trưởng lợi nhuận nếu việc sử dụng công nghệ này trở nên phổ biến trong thời gian tới.
“Bên cạnh ảnh hưởng từ DeepSeek, biến động giá cổ phiếu ngày một lớn và cổ phiếu liên quan đến AI ngày càng được coi là rủi ro”, bà Rina Takeda, trưởng bộ phận bán cổ phiếu tại Citigroup, nhận định. Một số nhà đầu tư cổ phiếu trung tâm dữ liệu và bán dẫn đang cân nhắc giảm tỷ lệ nắm giữ, bà Takeda dự báo đà tăng trưởng cổ phiếu AI tiếp tục yếu trong thời gian tới.
Bên ngoài Nhật Bản
Ngoài ra tại quê nhà Trung Quốc, một số đại gia công nghệ đã nhanh chóng đưa dịch vụ của DeepSeek vào hệ sinh thái.
Alibaba, Tencent, Baidu và công ty mẹ của TikTok Bytedance đều đưa ra thông báo sẽ cung cấp dịch vụ của Deepseek thông qua nền tảng đám mây riêng. Ba nhà khai thác viễn thông lớn của đất nước, cùng với nhà sản xuất thiết bị điện tử Lenovo và thương hiệu ô tô Geely, cũng tiến hành áp dụng DeepSeek vào sản phẩm.
Một số thương hiệu Big Tech Trung Quốc, vốn đã thống trị thị trường internet nước này trong hơn một thập kỷ, đã bắt đầu triển khai dự án mô hình ngôn ngữ lớn riêng trong hai năm qua kể từ khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022. Mặc dù xuất hiện một số sản phẩm cạnh tranh, nhưng DeepSeek vẫn là dấu ấn lớn nhất ở thời điểm hiện tại.
Động thái mới phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn. Ngay cả các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ, bao gồm Nvidia, Microsoft và Amazon, cũng tuyên bố sẽ ứng dụng DeepSeek trong hệ sinh thái.
Ngoài Trung Quốc, thành tựu của DeepSeek nhanh chóng nhận về sự giám sát chặt chẽ từ nhiều chính phủ. Tuần trước, Đài Loan và Úc đã tuyên bố cấm quan chức chính phủ sử dụng dịch vụ AI mới này vì rủi ro bảo mật dữ liệu. Một số bộ ban ngành chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành lệnh cấm.
Tháng trước, Italia áp dụng lệnh chặn toàn diện đối với ứng dụng DeepSeek sau khi công ty không giải quyết được những rủi ro về quyền riêng tư do chính quyền đề cập. Kể từ đó, nhiều quốc gia khác cũng e ngại về hoạt động bảo mật dữ liệu trên ứng dụng.