Đến năm 2025, Bắc Giang có tối thiểu 800 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số

21:04, 01/11/2021

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nội dung phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số dưới nhiều hình thức, từng bước ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật...) tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam”; góp phần cho nền kinh tế tỉnh Bắc Giang bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 800 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có tối thiểu 1500 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số để phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang.

Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch trên chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Tỉnh uỷ Bắc Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Đến năm 2025, Bắc Giang có tối thiểu 800 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số. 

Là một tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế, Bắc Giang kịp thời đưa ra kế hoạch thực hiện doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số của Bắc Giang.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Bắc Giang đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần thực hiện gồm:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số. Trong đó, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ cao, thương mại điện tử… nghiên cứu thành lập một khu công nghiệp/cụm công nghiệp CNTT tập trung của tỉnh. Hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ số trong giai đoạn hội nhập quốc tế đảm bảo an toàn an ninh gắn với ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền quảng bá hình ảnh Bắc Giang, nâng cao nhận thức phát triển doanh nghiệp số tỉnh Bắc Giang đến các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số và các dịch vụ số của tỉnh. Trong đó, phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt. Nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5. Nâng cấp, phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Bắc Giang. Xây dựng nền tảng kết nối dịch vụ số hóa tỉnh Bắc Giang bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Xây dựng Kho dữ liệu số tỉnh bắc Giang. Xây dựng phát triển Cổng dữ liệu mở (Open Data) để cung cấp, phân tích dữ liệu lớn về xu thế thi trường trong và ngoài nước. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, giải pháp giao dịch điện tử thanh toán trong thương mại và dịch vụ công.

Thứ ba, phát triển sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam. Trong đó, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ số phục vụ quản lý, điều hành của các ngành, lĩnh vực trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm công nghệ số. Triển khai các chương trình hợp tác, tham gia các diễn đàn ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ số, các doanh nghiệp công bố các sản phẩm, giải pháp công nghệ số trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Thứ tư, phát triển nhân lực công nghệ số. Trong đó, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số. Lồng ghép nội dung phát triển nguồn nhân lực công nghệ số trong các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xây dựng định kỳ hằng năm. Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, dạy và học...

Thứ năm, phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số thông qua Tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh Bắc Giang. Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo các giải pháp công nghệ phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kết nối doanh nghiệp; tăng cường liên kết, đặt hàng đối với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu để ứng dụng các giải pháp công nghệ số phục vụ doanh nghiệp. Thực hiện hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tham gia Chương trình hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEDx).

Thứ sáu, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số thông qua các chương trình phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ các mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số. Các chương trình trao đổi với doanh nghiệp về xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số hiện nay trong doanh nghiệp và ứng dụng CNTT…

Kế hoạch mục tiêu đã đặt ra, Bắc Giang sẽ nỗ lực không ngừng để đạt được kết quả nhưng mong muốn, doanh nghiệp Bắc Giang sẽ làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có thể trở thành công ty công nghệ, hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm Make in Việt Nam.

 Chân Hoàn (T/h)