Đến năm 2030, Nga sẽ thiếu khoảng 1 triệu chuyên gia công nghệ thông tin

09:15, 10/10/2024

Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các chuyên gia có trình độ cao.

Ngày 9/10, Giám đốc điều hành (CEO) Sberbank, German Gref, dự báo đến năm 2030, Nga sẽ thiếu khoảng 1 triệu chuyên gia công nghệ thông tin so với nhu cầu.

CEO German Gref nhận định, nhu cầu trên thị trường lao động về chuyên gia trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực nhiều khả năng sẽ trở nên trầm trọng hơn, bởi đây dường như là lĩnh vực có nhu cầu lao động cao nhất hiện nay.

Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Do các công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin có tính linh hoạt cao, nhiều chuyên gia Nga trong lĩnh vực này đã ra nước ngoài làm việc.

Chính phủ Nga ước tính vào cuối năm 2022 có 100.000 chuyên gia trong lĩnh vực này đang làm việc cho các công ty Nga ở nước ngoài.

Sberbank là ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, đồng thời là một công ty công nghệ lớn, đang đầu tư hơn 450 tỷ ruble (4,63 tỷ USD) vào lĩnh vực công nghệ thông tin trong giai đoạn 2024-2026. Ông Gref bày tỏ hy vọng sẽ thu hồi được khoản đầu tư này thông qua lợi nhuận thu được từ AI chỉ trong năm nay.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đang ở mức thấp kỷ lục. Do đó, giới chức Nga đang coi thiếu hụt lao động là mối quan ngại chính đối với nền kinh tế Nga.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov đã tuyên bố rằng 520.000 công nhân đã được bổ sung vào tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này kể từ đầu năm 2023, mặc dù ông thừa nhận rằng lĩnh vực này vẫn đang thiếu hụt 160.000 nhân viên.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Pavel Luzin, giảng viên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, chuyên gia về quan hệ quốc tế và là chuyên gia về lực lượng Vũ trang Nga cho rằng, những ước tính này không phản ánh đầy đủ tình hình phức tạp trong việc thay thế những nhân viên đã nghỉ hưu trong khi vẫn hy vọng duy trì quy mô lực lượng lao động. Sự thâm hụt có thể nghiêm trọng hơn những gì mà ông Manturov thừa nhận.

Theo Tiến sĩ Luzin, các vấn đề về lực lượng lao động, đặc biệt là trong sản xuất quốc phòng, đã hạn chế tốc độ sản xuất vũ khí và làm suy yếu khả năng duy trì cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.

Trước đó, năm 2022, theo số liệu thống kê chính thức cho thấy 1.355 đơn vị với khoảng 2 triệu nhân viên tạo nên tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga, bao gồm 1,4 triệu nhân viên tham gia trực tiếp vào sản xuất vũ khí. Những con số chính thức này vẫn tương đối ổn định trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong đợt động viên "một phần" vào năm 2022, chỉ có 830.000 nhân viên trong tổ hợp công nghiệp-quân sự và các ngành liên quan khác được miễn cả nghĩa vụ động viên và nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, số lượng nhân sự thực tế trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga có thể ước tính là 1,6 triệu nhân viên vào đầu năm 2023 mà không phân biệt giữa sản xuất vũ khí và sản xuất hàng hóa dân dụng.

Về tình hình nền kinh tế, Nga đã phải đối mặt với những cú sốc lớn từ bên ngoài sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine vào đầu năm 2022, đó là: một số thị trường xuất khẩu truyền thống đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, việc tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu gặp trở ngại, giá hàng hóa và tỷ giá biến động mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga cho đến nay nhìn chung vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.

Tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế vào tháng 7/2024, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết tăng trưởng GDP của nước này đạt 5% trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn đáng kể so với dự báo.