Đĩa mềm vẫn được sử dụng trong hệ thống máy tính hạt nhân Mỹ

14:57, 27/05/2016

Một cơ quan quan trọng của chính phủ Mỹ có thể vẫn sử dụng một công nghệ xưa cũ mà bạn khó hình dung nổi.

Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ và quốc tế đã nổi tiếng vì đôi khi họ sử dụng những công cụ từ lâu đã lỗi thời.

Nhưng theo một báo cáo từ một cơ quan giám sát quốc gia Mỹ (GAO), một chi nhánh quan trọng của chính phủ Mỹ có thể vẫn sử dụng một công nghệ xưa cũ mà bạn khó hình dung nổi.

Theo Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ Mỹ - GAO, ít nhất có một bộ phận của Bộ quốc phòng Mỹ vẫn sử dụng đĩa mềm trong các hệ thống của mình.

Cách đây khoảng một vài thập kỷ, thay vì sử dụng những thanh USB như ngày nay, dữ liệu được chuyển qua lại giữa các hệ thống máy tính bằng một miếng nhựa vuông chứa một đĩa từ (nơi dữ liệu được cất giữ).

Nhưng hầu hết các hệ thống ngày nay sẽ không chấp nhận đĩa mềm ngay cả khi người dùng muốn, vì vậy sự hiện diện của một công nghệ xưa cũ như vậy là điều khá ngạc nhiên, đặc biệt lại là ở một cơ quan như Bộ Quốc phòng.

Tiết lộ này được đưa ra hôm thứ Tư (25/5/2016) trong một báo cáo từ CNBC, và có trong một tài liệu nghiên cứu của GAO có tên: “Các cơ quan quốc gia nên giải quyết những hệ thống máy móc xưa cũ”. Tài liệu có đoạn viết:

“Hệ thống CNTT của liên bang qua nhiều năm để lại nhiều máy móc đã lỗi thời, một số máy móc trong đó sử dụng các ngôn ngữ phần mềm cũ và các bộ phận phần cứng khó có thể thay thế ngày nay. Một vài hệ thống đã qua sử dụng ít nhất là 50 năm. Ví dụ, Bộ quốc phòng vẫn sử dụng đĩa mềm 8 inch trong các hệ thống máy móc hiện tại …”

Điều rắc rối hơn nữa là thực tế, đĩa mềm vẫn được sử dụng như là một giải pháp lưu trữ tại Hệ thống điều khiển tự động chiến lược của Bộ quốc phòng, nơi điều phối hoạt động của hệ thống hạt nhân Mỹ, bao gồm cả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Các đĩa mềmnày được sử dụng như là một phần của máy tính Series/1 IBM (một hệ thống từ những năm ’70).

Tin tốt? Bộ quốc phòng dự định cập nhật các hệ thống máy móc cổ vào năm 2017, theo báo cáo của GAO.

Cẩm Thịnh - theo Mashable