Dịch vụ làm đẹp cho “dế” ngày Xuân
00:10, 26/01/2013
So với mọi thời điểm trong năm, nhu cầu chăm sóc, làm đẹp cho những thiết bị di động như mobile, tablet, laptop vào những ngày đầu năm luôn rộn ràng. Không chỉ là dán màn hình, thêm case, bao da bảo vệ hay sắm thêm nhiều phụ kiện độc hỗ trợ, các dịch vụ mới như phủ nano, đánh bóng, sơn lại vỏ ngoài thời gian qua gây chú ý mạnh mẽ với người dùng.
Nhiều “lăn tăn” với các dịch vụ mới
Sở dĩ những dịch vụ mới này được quan tâm nhiều vì xung quanh nó là hàng loạt những thắc mắc như công nghệ nano là gì, phủ nano lên màn hình xong có tác dụng phụ gì không, có nên phủ nano hay không… Những câu hỏi tương tự như thế cũng được đặt ra cho dịch vụ đánh bóng, sơn lại vỏ ngoài thiết bị. Liệu khâu đánh bóng có làm hại lớp vỏ “zin” của thiết bị hay không, lớp sơn dặm, sơn vá có độ bền bao lâu, màu sơn mới có độ tương đồng bao % với sơn “zin”… Và sau cùng vẫn là câu hỏi quen thuộc, có nên đánh bóng hoặc sơn lại hay không?
Có nên phủ nano?
Đây là thắc mắc nhiều nhất của người dùng thiết bị di động trên hầu hết các diễn đàn công nghệ trong thời gian qua. Theo quảng cáo, sau khi phủ nano, màn hình thiết bị di động như smartphone, tablet, laptop có bề mặt bóng mượt và quan trọng hơn thế là khả năng chống trầy xước khi có va chạm. Dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn khi có mức giá thoạt nghe hết sức lý tưởng: từ 40.000 đồng/smartphone và 100.000 đồng/tablet, laptop. Thời gian lớp phủ nano giúp bảo vệ màn hình cảm ứng chống trầy xước là từ 4 tháng trở lên. Sau thời gian này, lớp nano cũ bay mất và sẽ phải phủ lại lớp mới. Bên cạnh phủ nano lên bề mặt, người dùng nào chịu chơi cũng có thể phủ nano lên toàn thiết bị để thay cho việc dán keo hay trang bị thêm case, bao da bảo vệ.
Trở lại với câu hỏi chính, có nên phủ nano hay không? Câu trả lời là tùy thuộc vào sự ưa thích của khách hàng. Về cơ bản, nano là các hạt nhỏ li ti có kích thước tính bằng nanomet. Khi cho dung dịch nano lên bề mặt màn hình thiết bị di động, nano có tác dụng lấp đầy các lỗ trống trên bề mặt vật liệu vốn không có sự bằng phẳng (soi bằng kính hiển vi sẽ thấy rõ sự lỗ chỗ này). Sau khi phủ, tác dụng của dung dịch sẽ giúp bề mặt vật liệu trở nên bằng phẳng hơn bởi đã được lấp đầy bằng các hạt nano nhỏ li ti. Nhờ đó, khi va chạm có tác dụng làm chệch hướng va chạm. Kết quả là làm giảm trầy xước. Đó là về nguyên lý hoạt động. Còn thành phần hóa chất cụ thể, chất lượng dung dịch, có ảnh hưởng gì đến màn hình hay đến sức khỏe con người hay không từ 1 số sản phẩm hiện có trên thị trường thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào kiểm định, công bố.
Do một số hiệu quả tức thì trước mắt như làm bóng bề mặt, giảm trầy xước khi có ma sát nhẹ cùng chi phí tương đối rẻ nên nhiều người dùng cũng muốn thử. Qua thực tế trải nghiệm, công đoạn phủ nano cực kỳ đơn giản. Nhỏ dung dịch nano lên bề mặt vật liệu cần phủ, dùng khăn mịn hoặc miếng xốp thoa đều dung dịch giống như thao tác lau màn hình là xong. Ngoài việc ra các các cửa hàng nhờ phủ dùm, người dùng cũng có thể tự mua dung dịch về làm. Loại dung dịch này được đặt trong lọ nhỏ có giá bán từ 240- 800.000 đồng/lọ tùy theo nhà sản xuất Singapore, Hàn Quốc, Đức, Mỹ. Một số loại được các công ty Việt Nam nhập và phân phối với tờ rơi hướng dẫn bằng tiếng Việt đi kèm. Mỗi 1 lọ dung dịch như thế, bạn có thể dùng được cho khoảng 10- 15 màn hình cỡ iPhone và 8-10 màn hình như iPad.
Đánh bóng, sơn vỏ ngoài, lợi hay hại?
Quảng cáo trên nhiều trang mua bán rao vặt, những cửa hàng có dịch vụ đánh bóng, sơn lại vỏ thiết bị di động đều khẳng định, dịch vụ giúp khách hàng vẫn giữ được lớp sơn zin cho những thiết bị đắt tiền, giúp mài mòn, xóa luôn “nếp nhăn” là những vết xước trên màn hình, thân vỏ máy… Công đoạn thực hiện cũng được dịch vụ post thông tin đầy đủ để khách hàng nắm quy trình. Ví như đánh bóng thì công đoạn tỉ mỉ qua các bước: xả nhám bề mặt, xả nhám các góc, đánh với xi chuyên dùng để bề mặt thiết bị bóng mà không làm ảnh hưởng đến lớp sơn zin. Đối với công đoạn sơn, qui trình cũng thông qua nhiều bước: trét bột, sơn phủ, sơn kỹ, đánh bóng. Đặc biệt, vỏ ngoài thiết bị bị nứt, gãy cũng sẽ được phục chế khéo léo, khó có thể phát hiện ra được. Chi phí cho dịch vụ này là: đánh bóng smartphone: 70.000 đồng; sơn vỏ smartphone có đầy đủ các màu lựa chọn: 100.000- 200.000 đồng; sơn dặm smartphone, laptop: 50.000- 150.000 đồng tùy tình trạng lão hóa máy; sơn dặm viền các loại iPhone: 50.000- 100.000 đồng… Thời gian đánh bóng là 1 ngày, sơn, dặm vá thì 2-3 ngày tùy tình trạng máy.
Theo một dân chơi công nghệ lâu năm thì trước đây, khi chưa có đề can và keo dán bảo vệ thì sơn là dịch vụ được ưa chuộng. Về sau, sơn ít được quan tâm vì đa số người dùng thường thích dùng case, bao da bảo vệ hơn vì vừa có tác dụng chống trầy xước, vừa giúp thiết bị khi rơi cũng không bị tổn thương nặng. Do bị quên lãng 1 thời gian nên khi được nhắc lại, mọi người tưởng là dịch vụ mới. Dịch vụ sơn, dặm hay vá chủ yếu chỉ dành cho những chiếc điện thoại đắt tiền, đặc thù, không có phụ kiện bảo vệ đi kèm hoặc vỏ thay thế. Cũng có người dùng sau thời gian sử dụng, lớp vỏ cũ bị lão hóa, trầy xước nhưng lại không muốn thay vỏ khác, muốn giữ lại vỏ zin thì mới cho sơn. Chưa kể, dịch vụ này đòi hỏi người dùng phải để thiết bị lại hoặc để vỏ lại nên khiến nhiều người dùng thấy ngại.
Đứng ở góc độ kỹ thuật, chủ gara Caotoc đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh phân tích: Sơn, dặm vá vỏ thiết bị di động cũng khá giống với sơn vỏ ô tô. Màu sơn, độ bền của sơn phụ thuộc nhiều vào công tác trét bột và chất lượng sơn của nơi cung cấp dịch vụ. Những ai thích cầu kỳ như luôn giữ được lớp vỏ zin và vỏ lúc nào cũng đẹp thì cũng có thể cho sơn. Riêng khâu đánh bóng thì đơn giản hơn. Người dùng có thể tự đánh bóng ở nhà được bằng các nguyên liệu như Cana đánh bóng ô tô, xe máy. Tác dụng của đánh bóng là chùi sạch những vết bẩn bám vào các vết trầy xước trên thân vỏ. Hóa chất của nguyên liệu cũng khiến lớp vỏ bóng mịn, tạo cảm giác sáng đẹp. Nhìn chung, dịch vụ này không có hại, chủ yếu phụ thuộc vào sở thích của người dùng là chính. Mà dịp Tết đến thì phần lớn mọi người ai cũng thích làm cho thiết bị di động mình bóng đẹp, sạch sẽ nên nếu có điều kiện thì cũng có thể dùng dịch vụ như 1 giải pháp để bảo quản dễ yêu luôn đẹp, bền.
Công nghệ phủ nano chỉ có tác dụng trên màn hình không bị trầy xước quá nhiều trước đó. Hay nói cách khác, màn hình mới thì phủ nano, màn hình cũ phủ không giải quyết được vấn đề. Lớp phủ nano cũng chỉ có tác dụng giảm chứ không tránh được trầy xước từ những va chạm mạnh.
Khi tự đánh bóng, chỉ nên đánh bóng trên bề mặt màn hình, lớp vỏ nhựa. Quá trình đánh nhẹ nhàng, kỹ lưỡng bằng các loại khăn mịn. Tránh đánh bóng vào đường viền, lớp mạ kim loại.
Vy Ái Dân