Dịch vụ OTT khiến nhà mạng thế giới chao đảo
03:07, 28/12/2012
Mặc dù các công ty viễn thông đã được cảnh báo về mối đe dọa lớn từ các OTT, nhưng họ vẫn chưa hoạch định rõ một kế hoạch toàn diện để bảo vệ doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn SMS, cũng như tìm và mở rộng ra các thị trường mới.
OTT đang ăn mòn doanh thu của nhà mạng
Theo các nhà phân tích, dịch vụ truyền thông có thể phân ra hai hình thức. Thứ nhất là các dịch vụ truyền thông trực tuyến (như Skype, Google Talk, mạng xã hội, e-mail, IM, Blog…). Thứ hai là các dịch vụ viễn thông (gồm điện thoại cố định, dịch vụ điện thoại di động, tin nhắn SMS, tin nhắn đa phương tiện). Trên thế giới, Apple, Google, Facebook cùng với Amazon, Skype đang là những nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến lớn. Họ chính là các nhà cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông (Over-the-top, viết tắt là OTT).
Các dịch vụ truyền thông trực tuyến như Skype, Google Talk, mạng xã hội, e-mail, IM… đang đe doạ đến doanh thu của nhà mạng. Ảnh: Internet
Trong khi đó, theo tính toán, tại các thị trường phát triển, số phút thoại từ mạng viễn thông truyền thống tương đối ổn định, song doanh thu SMS đang giảm dần do điện thoại thông minh được trang bị các ứng dụng trực tuyến. Thế nhưng, các dịch vụ truyền thông OTT bao gồm cả VoIP, P2P và tin nhắn tức thời IM, lại tăng trưởng mạnh mẽ. Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà mạng cần có chiến lược kinh doanh trước sự lấn lướt và lớn mạnh của các OTT.
Gần đây, SK Telecom, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc, thừa nhận “các nhà mạng Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn, như doanh thu SMS giảm, chi phí đầu tư mạng lưới tăng do lưu lượng dữ liệu tăng mạnh vì sự ra đời của nhiều dịch vụ tin nhắn miễn phí”. Tại Hàn Quốc, dịch vụ nhắn tin di động KaKao Talk hiện đang có 37 triệu thuê bao trong nước đang phát triển rất nhanh, trở thành mối đe doạ của các nhà mạng, đặc biệt khi tung ra dịch vụ mVOIP mới. Hơn nữa, các nhà cung cấp dịch vụ OTT có thể trở thành một nền tảng truyền thông hợp nhất, sau khi đạt số lượng người dùng lớn.
Theo một chuyên gia phân tích viễn thông, nhà mạng có thế mạnh là quản lý được hạ tầng mạng, điều khiển được chất lượng dịch vụ và cũng chỉ có nhà mạng mới có thể thực sự cung cấp dịch vụ truyền thông hội tụ (RCS). Bên cạnh đó nhà mạng cũng có thế mạnh về việc tương vận giữa nhiều mạng và nhiều thiết bị đầu cuối khác nhau. Trong khi đó OTT lại có thế mạnh về xây dựng hệ sinh thái (ecosystem), hướng đến thị trường toàn cầu và sự nhanh nhẹn trong phát triển công nghệ thông tin.
Các nhà mạng thế giới tìm cách “tuyên chiến” với OTT
Trước tình thế này, Martin Geddes, một nhà tư vấn viễn thông, chỉ ra rằng “truyền thông với đám mây là một giải pháp, trong đó sẽ thay đổi vai trò của nhà mạng từ sở hữu mạng lưới dữ liệu sang kiểm soát các nền tảng phần mềm”. Từ quan điểm này, lãnh đạo hãng viễn thông Đức Deutsche Telekom DT tuyên bố rằng “đám mây là cơ hội mới cho các nhà mạng”. Với điện toán đám mây, các nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ đám mây cho người dùng và doanh nghiệp, bởi họ có thể kiểm soát mọi phần dịch vụ, từ thiết bị đến mạng lưới đến cơ sở dữ liệu. Nếu nhà mạng sáng tạo, họ có thể đảm bảo một kết nối đám mây liền mạch thông qua sự kết hượp của mạng lưới không dây và có dây rộng khắp của họ, qua Wifi, Small Cells, Femtocells và các điểm truy cập khác.
Ngoài ra, triển khai các dịch vụ mạng xã hội di động sáng tạo và chiến lược tạo lòng trung thành của người dùng có thể sẽ là cách làm hiệu quả mà các nhà mạng nên áp dụng để tạo ra nguồn doanh thu mới, giúp họ đền bù cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng lưới và cạnh tranh với các hãng OTT. Theo Keith Willetts, chủ tịch và là CEO của TM Forum, nhà mạng nên cởi mở và tiếp nhận OTT hơn là cố gắng đối đầu với nó. Thậm chí, nhà mạng cũng phải học từ chính các nhà cung cấp nội dung OTT, tạo ra lòng trung thành của khách hàng với hệ sinh thái dịch vụ của mình.
Nhưng làm thế nào để các công ty viễn thông có thể kiếm tiền từ mạng xã hội? Hãy nghiên cứu trường hợp của Facebook. Facebook cũng là một ứng dụng OTT. Facebook chiến thắng các mạng xã hội khác không phải vì Facebook tốt hơn, thời thượng hơn, mà bởi Facebook đã đoạt được thế độc quyền tự nhiên. Nếu tất cả bạn bè đều dùng Facebook, tại sao bạn lại chọn một mạng xã hội khác? Mọi người có xu hướng sử dụng dịch vụ phổ biến nhất, vì thế các dịch vụ cạnh tranh khác hầu như không thể chiến thắng, ngay cả khi dịch vụ của bạn tốt hơn gấp 10 lần.
Đó chính xác là bài học mà các mạng viễn thông có thể làm để tạo doanh thu mới – tạo ra một mạng xã hội di động, thu hút nhiều thuê bao sử dụng. Chẳng hạn, nhà mạng có thể tạo ra một kiểu mạng xã hội di động “Bạn bè và Gia đình”, trong đó các thành viên sử dụng mạng xã hội di động này sẽ được hưởng một giá cước rẻ hơn.
Trong khi đó, SK Telecom tiết lộ đang chuẩn bị một dịch vụ truyền thông hội tụ (RCS), hợp tác với các nhà mạng Hàn Quốc khác, và dự định sẽ kết nối dịch vụ này với các thành viên GSMA khác nữa.
Tiến sỹ Choi Jin-Sung, phó chủ tịch SK Telecom, tin rằng biện pháp truyền thông hội tụ sẽ đảm bảo SK Telecom và cộng đồng các nhà mạng cạnh tranh với các dịch vụ OTT. “CÁc nhà mạng phải suy nghĩ từ quan điểm của khách hàng khi phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Ngoài ra, họ phải thu hút được các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau phts triển nên các dịch vụ sáng tạo, để cạnh tranh với các OTT”, ông nói. “Nhà mạng phải tích cực chuyển đổi sang một mô hình mới, phù hợp với môi trường sinh thái sáng tạo, hiệu quả, cởi mở và hợp tác mới. Trong đó, họ sẽ cùng nhau sáng tạo và kích thích tăng trưởng”.
Nhiều người xem sự phát triển của các dịch vụ OTT là một cái gì đó “đáng ghét”, bởi nhà mạng phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng lưới và chịu các khoản phí duy trì mạng lưới, trong khi các công ty OTT lại hưởng doanh thu. Nếu bạn là một nhà cung cấp dịch vụ OTT, chi phí bỏ ra để thành lập doanh nghiệp mới sẽ không nhiều – vì bạn không phải đầu tư hàng triệu USD vào cơ sở hạ tầng và duy trì nó hoạt động – do đó bạn có thể cung cấp ra nhiều dịch vụ khác nhau với rất ít rủi ro. Và khi người dùng đã gắn với một trong các ứng dụng OTT, như thoại, tin nhắn, dữ liệu, email…, thì trong mắt họ, vai trò của nhà cung cấp mạng lưới (chính là nhà mạng) chỉ đơn giản là nhà cung cấp kết nối băng rộng, hay nhà cung cấp thẻ SIM.
Theo ICTnews (tổng hợp từ Báo Bưu điện Việt Nam)