Diện mạo hạ tầng thương mại Thủ đô thay đổi ngày càng hiện đại
Giai đoạn 2010, TP. Hà Nội chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, thì đến nay đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Điều này cho thấy, diện mạo hệ thống, hạ tầng thương mại tại Thủ đô đã thay đổi, hiện đại hơn.
Diện mạo hệ thống, hạ tầng thương mại Thủ đô đã thay đổi, hiện đại hơn. Ảnh: VGP/Bích Phương
Phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại
Những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai nhiều kế hoạch, chương trình như Kế hoạch phát triển thương mại-dịch vụ văn minh hiện đại trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025; Chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025"; Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2025…Đây là căn cứ quan trọng để triển khai công tác quản lý và phát triển thương mại văn minh, hiện đại trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả, góp phần tăng cường hiệu lực công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Sở chính thức đưa vào vận hành website "Bản đồ mua sắm TP. Hà Nội" tại địa chỉ mạng http://bandomuasam.hanoi.gov.vn từ năm 2015, nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn thành phố; phối hợp triển khai kế hoạch về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy suất nguồn gốc trực tuyến các hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, Sở cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử góp phần duy trì hoạt động thương mại truyền thống, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; tích cực phổ biến, hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada), giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, duy trì, mở rộng kinh doanh hiệu quả.
Triển khai Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, đến nay, trên địa bàn Thành phố có 2 trung tâm logistics đang hoạt động (Trung tâm logistics Hateco, địa chỉ tại số 1 phố Huỳnh Tấn Phát, khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, diện tích 12ha; Trung tâm logistics đường sắt Yên Viên, địa chỉ tại ga Yên Viên, huyện Gia Lâm); 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư; 9 dự án đang được nhà đầu tư đề xuất và đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao thương liên kết giữa Hà Nội với các vùng, địa phương nhằm phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa của Hà Nội tại các tỉnh và của các tỉnh tại Hà Nội, gắn liền với dịch vụ logistics; từng bước đã hình thành nên chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Kết quả đã hỗ trợ trên 50 tỉnh thành phố đưa hàng vào hệ thống phân phối tại Hà Nội.
Lotte Mall Tây Hồ trong những ngày mở cửa thử nghiệm. Ảnh: VGP/Bích Phương
Cần quan tâm, thu hút đầu tư hạ tầng thương mại ở cả ngoại thành
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố thực hiện xúc tiến các dự án đầu tư và đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.
Giai đoạn 2010, Thành phố chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, thì đến nay đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Diện mạo hệ thống, hạ tầng thương mại tại Thủ đô đã thay đổi, hiện đại hơn.
Có thể kể đến như các trung tâm thương mại lớn là Aeon Mall Long Biên và Aeon Mall Hà Đông. Nối tiếp thành công của hai dự án trung tâm thương mại này, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) đang đặt mục tiêu tới năm 2026, có thêm cùng lúc 4 trung tâm thương mại tại Hà Nội. Hiện tập đoàn này đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để khởi công xây dựng các trung tâm thương mại tại quận Hoàng Mai và quận Bắc Từ Liêm…
Tháng 9 tới, Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi (Lotte Mall Tây Hồ) mới chính thức khai trương, nhưng trong quá trình mở cửa thử nghiệm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.
Trung tâm thương mại này có 7 tầng, bao gồm năm tầng nổi và hai tầng hầm với tổng diện tích 222.000 m2, chiếm 60% diện tích của cả tổ hợp dự án. Tại đây quy tụ 233 thương hiệu, trong đó có 25 thương hiệu lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, 28 thương hiệu lần đầu có mặt tại Hà Nội và 32 cửa hàng flagship (các sản phẩm chuyên về công nghệ của một hãng).
Ngoài hệ thống gian hàng mua sắm, Lotte Mall Tây Hồ còn có thêm các dịch vụ giải trí như khu vui chơi thể thao và hướng nghiệp, rạp chiếu phim, thủy cung trong nhà lớn nhất Hà Nội, thư viện, phòng trưng bày và phòng hội thảo…
Tuy nhiên, việc phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, khó thu hút đầu tư về khu vực ngoại thành. Đáng lưu ý, tại các huyện chuẩn bị lên quận và các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng thương mại hiện đại.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay, Thành phố đang nghiên cứu xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công Thương đã đôn đốc các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, hoàn thiện phương án phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn, phục vụ công tác lập quy hoạch.
"TP. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn, xem xét cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, nhất là phát triển về các huyện ngoại thành", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Trong đó, tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, tạo đột phá trong phát triển thương mại-dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ