Điện thoại cao cấp: thật giả lẫn lộn

00:00, 25/05/2009

Điện thoại là một trong số những mặt hàng hay bị nhái nhiều nhất. Thật giả lẫn lộn đôi khi khiến cho cả thợ trong nghề cũng khó phân biệt được. Và thiệt hại lại đương nhiên là rơi vào khách hàng.
Xem ảnh lớn
Hình chỉ có tính chất minh họa

Khó phân biệt

Cầm trên tay “con” Nokia E75 mới mua nhưng Toàn, nhân viên marketing của một công ty tại quận Hoàn Kiếm, vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Đây là mẫu điện thoại dòng E-Series mới nhất của Nokia, nhưng nghe đâu đã bị làm nhái ở đâu đó bên Trung Quốc, mà hàng từ Trung Quốc về tới Việt Nam đâu có xa. Ở cái thời thật giả lẫn lộn như hiện nay thì tâm lý dè chừng của Toàn không phải thừa. Những chiếc điện thoại nhái có kiểu dáng giống hoàn toàn với phiên bản thật, nếu có khác thì chỉ ở một số chi tiết rất nhỏ mà nếu tinh mắt thì người dùng mới phát hiện được.

Những chiếc điện thoại nhái thường không phải mua từ nhà phân phối chính hãng, và có thời gian bảo hành ngắn. Tuy nhiên, ngay cả những đồ dán nhãn bảo hành chính hãng không phải lúc nào cũng thật 100%. Có quá nhiều thủ thuật để các cửa hàng biến đồ có nguồn gốc không rõ ràng thành đồ chính hãng. Nếu bạn cần tem bảo hành, thẻ bảo hành ư? Điều đó đâu có khó gì. Ngay cả một số IMEI của điện thoại cũng có thể làm giả được thì huống chi những chi tiết nhỏ nhặt khác.

Con phố cầm đồ Đặng Dung được mệnh danh là “thiên đường ĐTDĐ tại Việt Nam” vốn chả rộng rãi gì nên vào cuối giờ chiều sự tấp nập lại càng làm cho nó trở nên chật hẹp hơn. Kẻ bán người mua nhộn nhịp nhưng đằng sau đó không ít khách hàng nếm “quả đắng”. Nếu là “gà” thì lời khuyên cho bạn là không nên mua điện thoại ở đây. Các mẫu mã nhái điện thoại cao cấp bày bán nhan nhản và các giá của chúng cũng rất dễ chịu – chỉ tầm 2-3 triệu. Tuy nhiên, trông người để bắt hình dong, nếu khách trông quá thật thà thì người bán có thể hét cái giá trên trời, và nói chung giá cả bao nhiêu là tùy thuộc vào … đạo đức của người bán.

Càng cao cấp càng hay bị làm giả

Đa số những mẫu điện thoại bị làm giả đều là những nhãn hiệu cao cấp bởi tâm lý “làm thế cho nó bõ”. Chiếc Nokia E75 mới ra mắt không lâu thì trên thị trường đã có phiên bản nhái với giá chỉ bằng 1/4, thậm chí là 1/8. Giá gốc của E75 là gần 400USD nhưng giá của chiếc điện thoại nhái chỉ khoảng 100USD. Trang web www.china-phone.org rao bán chiếc E75 với giá 111USD; nếu mua 5-9 chiếc thì giá là 108USD/chiếc; còn mua số lượng nhiều từ 10-14 chiếc thì mức giá “hữu nghị” là 105USD.

 E75 là chiếc điện thoại được thiết kế hai bàn phím, màn hình 2,4 inch, camera 3,2 Megapixel và có giao diện tiếng Việt. Khi ở trạng thái gập, trông E75 không khác gì chiếc E51. Còn khi đẩy sang bên phải, bàn phím QWERTY sẽ lộ ra, giống kiểu thiết kế của chiếc điện thoại HTC S730. E75 chạy trên hệ điều hành S60, được trang bị các kết nối GPRS, Wi-Fi, A-GPS, thẻ nhớ mở rộng microSD, giắc cắm tai nghe 3,5 mm.

Ngoài tên hiệu Nokia thì chiếc iPhone đình đám cũng không thoát khỏi nạn bị giả mạo. iPhone giả đã xuất hiện tại Việt Nam và việc phân biệt chúng vẫn khá mông lung. Chỉ có những người đã từng sử dụng iPhone và chịu khó quan sát thì mới phân biệt được chiếc điện thoại này. Đặt hai chiếc iPhone thật - giả cạnh tranh thì đúng thật người dùng bình thường cũng không thể phân biệt được. Các chi tiết được dập khuôn y hệt, từ màn hình, cơ chế điều khiển, vỏ máy, camera, các dòng chữ, logo in trên thân máy…

 Tuy nhiên, theo thợ trong nghề, vẫn có một số điểm phân biệt chiếc iPhone thật - giả. Đó là font chữ trên chiếc iPhone thật trông nét và mượt mà hơn; trong khi font chữ của iPhone giả trông nhòe hơn, và không nét. Nếu chỉ nhìn ở mặt đằng trước thì khó có thể phân biệt được. Còn khi lật ra mặt đằng sau thì chữ in vỏ của iPhone giả không đen bằng iPhone thật; ngoài ra chữ cũng trắng hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể phân biệt được khi có một chiếc iPhone thật bên cạnh để so sánh, còn nếu không bạn cũng không thể phân biệt được sự khác biệt này.

Nói chung để phân biệt iPhone thật – giả, bạn cần căn cứ trên 3 đặc điểm. Thứ nhất là font chữ của máy (như đã nói ở phần trên). Thứ hai là iPhone thật sử dụng khay SIM (đẩy cả khay ra) thay vì sử dụng nắp đậy SIM như iPhone giả. Thứ ba, xung quanh chỗ nối dây giao tiếp của iPhone giả có một khung kim loại mỏng.

Lại trở lại vấn đề các mẫu mã điện thoại cao cấp bị làm giả, trang web www.china-phone.org thậm chí còn rao bán những mẫu di động “siêu cấp” như GOLDVISH, VERTU, AURA với giá “cực sốc”. Phiên bản Golvish mạ vàng được bán với giá… 232USD; chiếc Vertu có giá 193USD; còn chiếc Nokia Luxury 8800 “kim cương” giá chỉ có… 197USD. Nếu có dịp lên chợ Tân Thanh, Lạng Sơn, bạn sẽ thấy la liệt các mẫu mã điện thoại, toàn những tên hiệu cao cấp được bày bán la liệt với giá … chợ.

Với nguyên lý “nước chảy chỗ trũng”, càng là đồ cao cấp thì càng bị làm giả. Có tiền trong tay nhưng chưa chắc bạn mua được đồ xịn, nhất là điện thoại di động nếu mua tại những nơi không đảm bảo. Lời khuyên cho bạn là nên mua điện thoại ở những đại lý phân phối, dù có đắt hơn một chút cũng được nhưng chất lượng còn đảm bảo, và quan trọng là bạn không bị hớ, bị lừa, và bị mất tiền một cách oan uổng.
 
Theo Vnmedia