Định vị Cell-ID tại Việt Nam: Mang xe hơi đi... cày ruộng

07:42, 07/07/2009

Công nghệ định vị thuê bao di động bằng trạm phát sóng (Cell site Identification Cell-ID) hiện đã được triển khai tại Việt Nam để cung cấp các dịch vụ tìm đường, địa điểm dịch vụ công cộng cho khách hàng. Tuy nhiên, những tiềm năng quan trọng của công nghệ này lại chưa được chú ý khai thác.

Chưa xứng tiềm năng

Mới đây, MobiFone đã ứng dụng công nghệ Cell-ID vào dịch vụ SMS Locator, ứng dụng cho phép các thuê bao tìm địa điểm dịch vụ công cộng như trạm xăng, điểm ATM, hàng quán, khách sạn... Tuy nhiên, việc chỉ cho khách hàng sử dụng dịch vụ bằng tin nhắn SMS đã hạn chế rất nhiều ưu điểm tiềm năng của công nghệ này.

Chẳng hạn, khi sử dụng dịch vụ để tìm địa chỉ quán cafe gần địa điểm thuê bao, khách hàng được trả lại một danh sách 8 địa điểm gồm 2 tin nhắn dưới dạng "Quan cafe A, 61 Bat Su, so DT: 043.7738475, Quan cafe B, 50 Hang Cot, so DT: 043.6113847, ....". Tuy nhiên, việc đi đường nào để tới được những quán cafe đó thì dịch vụ này không thể hướng dẫn.

Với những người đã quen thuộc đường phố thì việc tìm các địa điểm công cộng không phải là vấn đề khó, nên dịch vụ tìm đường đi và địa điểm thường phù hợp với những người đến thành phố lạ, và thường phải dựa trên hình vẽ bản đồ. Nhưng với kết quả chỉ bằng SMS thì theo đánh giá của một chuyên gia công nghệ, "người dùng chỉ có thông tin giá trị nhất là số điện thoại của quán cafe để gọi đến nhờ... chỉ đường."

Một điểm khó khăn cho khách hàng khi sử dụng SMS Locator là họ phải ghi nhớ các cú pháp tin nhắn tìm kiếm thông tin địa điểm, chẳng hạn ATM, CAYXANG, CAFE, NHAHANG, BENHVIEN... Chưa kể nếu muốn tìm trạm ATM của Vietcombank thì phải có cú pháp cụ thể hơn như ATM VCB, nên người dùng sẽ rất khó nhớ và biết họ có thể tìm kiếm những thông tin gì.

Theo đánh giá của giới công nghệ trên các diễn đàn, SMS Locator chỉ mới ứng dụng Cell-ID trong việc giúp người dùng không phải tự định vị bằng cách nhập tên 2 đường phố giao nhau để xác định vị trí. Còn lại, nội dung thông tin địa điểm của SMS Locator cũng chưa nổi bật hơn mấy so với các dịch vụ tương tự của các nhà cung cấp nội dung SMS đã có từ trước.

Thế mạnh của bản đồ số

Nếu được ứng dụng trong các dịch vụ thông tin địa lý, công nghệ Cell-ID có khả năng cung cấp dịch vụ tới một tỉ lệ rất lớn các loại máy di động trên thị trường tầm trung, chưa có tính năng định vị vệ tinh GPS nhưng có thể kết nối GPRS và truy cập Wap.

Khi được áp vị trí thuê bao lên một bản đồ số, với các thông tin dịch vụ trực quan được hiển thị xung quanh, người dùng sẽ rất thuận tiện trong việc xác định phương hướng, đường đi cũng như không phải nhớ bất kỳ cú pháp tin nhắn SMS nào.

Đó là chưa kể, người sử dụng dịch vụ bản đồ số còn có thể tìm kiếm được nhiều thông tin địa lý theo nhiều lớp khác nhau, từ dịch vụ công cộng cho đến quy hoạch giao thông, tuyến đường nào phù hợp nhất để di chuyển từ điểm A đến điểm B, tránh đi vào đường ngược chiều hay những điểm công trường đang thi công...

Tính cập nhật của dữ liệu thông tin địa lý cũng là một vấn đề quan trọng. Trên giao diện bản đồ, người dùng di động sẽ được tiếp cận với một lượng rất lớn các thông tin phủ theo mặt bằng địa lý, dễ định hướng trong việc tìm thông tin mình cần và luôn được cập nhật mới. Dữ liệu địa lý có tính đặc thù là thường xuyên phải cập nhật, vì các cửa hàng, quán ăn thay đổi địa điểm thuê nhà để kinh doanh, hay tuyến đường mới cắm thêm biển cấm đi một chiều, cấm rẽ chuyện thường xảy ra.

Nếu dữ liệu chỉ "bó cứng" trong các cơ sở dữ liệu cũ, không được kiểm chứng bằng khảo sát thực tế thì rất có thể mặc dù bạn lấy được số điện thoại của một cửa hàng cafe từ nội dung SMS chỉ đường, nhưng khi gọi đến thì lại được trả lời đó là... shop thời trang.

Do đó, thế mạnh của bản đồ số chính là sự kiểm chứng thường xuyên và đóng góp, cập nhật dữ liệu từ chính cộng đồng người sử dụng. Những thông tin chính xác, có tính thẩm định và được nhiều người dùng khác đánh giá cao như quán cafe ngon, giá cả hợp lý và khung cảnh đẹp, hay quán phở nổi tiếng Hà Nội, quán bò Kobe nhập thịt từ Nhật chính hiệu... trên hệ thống bản đồ sẽ thường xuyên được cộng đồng người sử dụng bình luận, đánh giá, nên các dữ liệu sẽ liên tục được cập nhật sát với thực tế.

Cần xã hội hóa thế mạnh công nghệ

Một đại diện của MobiFone cho biết hiện chưa có kế hoạch mở rộng tính năng Cell-ID ra để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác cùng khai thác, ứng dụng vào các dịch vụ thông tin định vị tiện lợi cho thuê bao di động. Các dịch vụ bản đồ số hiện đã xuất hiện tại Việt Nam, và khi được ứng dụng thêm tính năng định vị bằng Cell-ID sẽ tạo nên các dịch vụ thông tin địa lý rất tiện lợi cho chính các thuê bao của MobiFone.

Một số quan điểm cho rằng những ứng dụng thông tin bản đồ trên di động là công nghệ cao, sử dụng phức tạp và khó, không phù hợp với người lớn tuổi hay người dùng phổ thông bằng dịch vụ đơn giản trên tin nhắn SMS. Tuy nhiên nếu từng đến các nước như Singapore, HongKong hay thậm chí Thái Lan và đi taxi, chắc chắn những người có quan điểm như vậy sẽ phải thay đổi, vì kể cả những người lớn tuổi hoặc phụ nữ khi lái taxi đều có thể sử dụng ứng dụng định vị bằng ĐTDĐ để tìm đường, cập nhật thông tin kẹt xe... một cách dễ dàng.

Vấn đề chỉ nằm ở thói quen sử dụng và giá thành dịch vụ. Ngay cả khi có dịch vụ định vị và thông tin bản đồ tại VN, thì cước GPRS cũng vẫn đang là một rào cản khiến người dùng di động e ngại, sợ tốn chi phí khi sử dụng dịch vụ.

Với thế mạnh đi trước về công nghệ, nếu MobiFone mở rộng tính năng định vị Cell-ID ra cho các nhà cung cấp nội dung khác cùng triển khai để tạo nên nhiều dịch vụ tiện lợi, thì bản thân người dùng MobiFone cũng sẽ có thêm những ứng dụng mà các mạng di động khác chưa có, từ đấy gián tiếp tăng tính cạnh tranh của MobiFone so với đối thủ và thu hút thêm được thuê bao sử dụng mạng của mình.

Nhưng nếu để chậm, để các mạng di động khác sẽ nhìn thấy thời cơ và xã hội hóa công nghệ định vị Cell-ID tốt hơn, thì lợi thế đi trước về công nghệ sẽ không còn thuộc về MobiFone nữa. Đơn cử như với dịch vụ GPRS, MobiFone từng là mạng triển khai dịch vụ này từ rất sớm, nhưng đến hiện tại, với những người có nhu cầu dùng dịch vụ truy cập GPRS nhiều, họ thường sắm thêm một sim Viettel vì có tốc độ kết nối nhanh hơn, đường truyền ổn định hơn.

 Theo Vietnamnet