Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ vào Việt Nam vì sao?

14:38, 24/03/2024

Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Cùng với đó, các doanh nghiệp cho biết cần có sự hỗ trợ nhất định và các chính sách ổn định thì họ mới dám đầu tư.

Các tập đoàn lo thiếu điện

Cung ứng đủ điện là kiến nghị được nhiều hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài nêu tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp doanh nghiệp FDI, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024) diễn ra mới đây. Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.

Việt Nam cũng nhận thức được rằng hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp. Tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.

Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, thì nhiều mục tiêu phát triển kinh tế khó đạt được.

Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho rằng nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, thì nhiều mục tiêu sẽ khó có thể đạt được.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) năm ngoái Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương 0,3% GDP. Đại diện các hiệp hội cho rằng thiếu điện sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mới vào Việt Nam. "Không đủ điện hiện là yếu tố lớn khiến nhiều doanh nghiệp Hàn, đặc biệt công ty công nghệ cao, chần chừ khi rót vốn", ông Hong Sun nói.

Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Hà Nội khuyến cáo, nhiều mục tiêu Việt Nam sẽ khó đạt được nếu không có nguồn điện ổn định và giá phải chăng.

Trước lo ngại của các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay cơ quan này đang nỗ lực để cung ứng đủ điện. "Chúng tôi cam kết sẽ không xảy ra thiếu điện năm nay và các năm tiếp theo", ông Tân nói. Theo ông, để không thiếu điện, Việt Nam đang tập trung phát triển nguồn, gấp rút hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra miền Bắc và đồng bộ hệ thống truyền tải.

Ưu đãi cho doanh nghiệp FDI chưa rõ ràng

Cũng theo các hiệp hội quốc tế, Việt Nam đang có quyết tâm rất lớn trong việc thu hút những lĩnh vực FDI  công nghệ cao như chất bán dẫn. Tuy nhiên, những vấn đề như thiếu ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay thiếu điện cục bộ tại miền Bắc là những rào cản khiến Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp bán dẫn.

Từ đầu năm 2024, Việt Nam đã chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 như mọi thành viên đã đồng thuận khác của OECD. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Theo ước tính, ngân sách sẽ thu được 14.600 tỷ đồng khi khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện nộp thuế này.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về những ưu đãi mà doanh nghiệp FDI được hưởng sau khi áp dụng thuế suất trên. Điều này gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rằng các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay sẽ biến mất.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham. (Ảnh: DĐDN).

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), ông Hong Sun, Chủ tịch Kocham nhấn mạnh thực tế của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc khi thuế suất mà doanh nghiệp đang phải nộp hiện khoảng 7-8%, song theo quy định mới, thuế suất phải nộp tăng lên và các doanh nghiệp sẽ không được hưởng ưu đãi gì về thuế.

Bù lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Nghị định ưu đãi cho doanh nghiệp sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có việc xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, mức hỗ trợ hiện vẫn chưa rõ ràng.

Một điểm nữa được Kocham chỉ ra là đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên khá lớn so với thực tế hiện nay nên sẽ chỉ một số ít doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi. 

Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, cuối cùng sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Kocham đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV). (Ảnh: DĐDN).

Ông Seck Yee Chung,Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV), Đại diện Nhóm công tác thuế và hải quan, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF 2024) cũng cho rằng các đối tượng hỗ trợ trong Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư còn trong phạm vi hẹp.

Dự thảo đưa ra đối tượng là các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao (doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao) đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.

“Với điều kiện này về quy mô, chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp có thể đạt được, theo đó chính sách sẽ chỉ tập trung áp dụng cho một nhóm đối tượng hẹp, chưa đại diện được cho nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, và cũng chưa đảm bảo đáp ứng được mục tiêu thu hút đối với các nhà đầu tư chiến lược như tinh thần Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 110”, ông Seck Yee Chung cho biết. 

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/doanh-nghiep-ban-dan-chan-chu-vao-viet-nam-vi-sao-118685.html