Doanh nghiệp công nghệ Việt dồn sức chống dịch

Nguyệt Hằng 21:41, 18/03/2020

Đã có gần 20 giải pháp, ứng dụng công nghệ được các doanh nghiệp Việt đưa ra nhằm góp sức phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Dùng công nghệ làm giải pháp

Kế hoạch trở lại làm việc của Got It, start-up của Trần Việt Hùng bị đổ bể khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu tháng 3.

Tôi nói với các nhân viên Got It là, muốn quay lại văn phòng làm việc, thì phải nghĩ ra cách gì đó để tham gia chống dịch, dù là việc nhỏ hay lớn, chứ ngồi chờ thì biết tới bao giờ”, ông Hùng cho biết.

Kết quả của các buổi họp bàn sau đó là kế hoạch xây dựng một mạng lưới (network) các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong 14 ngày qua dùng đồ thị (graph) thông qua việc huy động cộng đồng cập nhật dữ liệu. Covid-19 Check ra đời giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5, giúp các cơ quan phòng dịch dự đoán và khoanh vùng những cá nhân cần được cách ly để theo dõi, chữa trị và tránh lây lan virus ra cộng đồng.

Cùng thời điểm Covid-19 Check được đưa ra thử nghiệm, Cổng thông tin phòng chống dịch Covid-19 tại địa chỉ ncov.moh.gov.vn do Công ty Công nghệ DTT, Hệ Tri thức Việt số hóa (iTrithuc) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) phối hợp phát triển bắt đầu kêu gọi thu thập dữ liệu.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch DTT cho biết, ngoài cung cấp thông tin, công cụ phòng chống dịch, Cổng thông tin cũng đưa ra ứng dụng giúp người dùng tìm ra các địa điểm hỗ trợ phòng chống dịch ngay xung quanh nơi họ đang sinh sống. Cổng thông tin còn có ứng dụng cho phép mọi người có thể đánh giá các cơ sở y tế, nhà thuốc đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch như thế nào.

Kể từ ngày phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đơn vị đã đưa ra gần 20 giải pháp công nghệ thông tin liên quan đến phòng, chống dịch.

Mới đây nhất, ngày 15/3, Viettel ra mắt Hệ thống khai báo sức khỏe du lịch được tích hợp vào ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho 100% cơ sở du lịch trên toàn quốc. Người quản lý và điều hành tại các địa điểm cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện quét QR Code của hành khách khi tiếp đón và cung cấp dịch vụ tại cơ sở mình để lưu lại thông tin. 

Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Viettel Solutions chia sẻ: “Hệ thống sẽ hỗ trợ kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động, tình trạng sức khỏe của du khách một cách chính xác, linh hoạt. Từ đó, cơ quan chức năng có sở cứ phát hiện nguồn lây bệnh và kiểm soát được hoạt động du lịch trong thời điểm dịch bệnh”.

Vietnam Post cũng là một trong những đơn vị tích cực đóng góp giải pháp phòng chống dịch. Tổng công ty đã cung cấp hiển thị bản đồ vùng dịch, hiển thị dữ liệu về dịch bệnh, người sử dụng có thể lựa chọn vị trí GPRS, có cả thông tin về hình ảnh liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để biết rõ vùng cách ly, khoảng cách đến các điểm cần quan tâm liên quan đến dịch bệnh…

Hệ thống bản đồ vùng dịch này sẽ là nền tảng để Vietnam Post tiếp tục xây dựng các ứng dụng khác nhằm cảnh báo người dân về các vùng có dịch, nguy cơ lây lan dịch để phòng tránh hiệu quả...”, đại diện Vietnam Post cho biết.

Đồng lòng chống dịch

Báo Đầu tư cho biết, kể từ ngày phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đơn vị đã đưa ra gần 20 giải pháp công nghệ thông tin liên quan đến phòng, chống dịch. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, VietnamPost, DTT… đã tiên phong đưa ra các giải pháp thiết thực để đồng hành cùng Chính phủ và người dân phòng chống dịch một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Trung cho biết, chỉ riêng nhóm điều phối DTT tham gia thì đã có hơn 500 kỹ sư làm việc ngày đêm, hàng chục giải pháp được phát triển và triển khai.

Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp để không chỉ ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến đang có, tăng số lượng sử dụng, mà còn sáng tạo ra những dịch vụ công trực tuyến để phục vụ những nhu cầu rất cụ thể mang tính sống còn”, ông Trung cho biết.

Tại lễ ra mắt 2 ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia tiếp tục nâng cấp, mở rộng không giới hạn các ứng dụng này, tiếp tục cung cấp thêm nhiều tính năng để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Từ việc chỉ cung cấp thông tin của người dùng với cơ quan y tế để có sự trợ giúp khi cần thiết, có thể mở rộng thêm rất nhiều tính năng và ứng dụng để cùng phục vụ mục đích chống dịch.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, đây là dịp để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ cạnh tranh, mà còn hợp tác vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cấp, mở rộng các ứng dụng để không chỉ phát huy hiệu quả ở Việt Nam, mà còn có cơ hội góp phần cùng thế giới chống dịch thành công.

Thanh Tùng/TH