Doanh nghiệp thời trang tăng trưởng 30% mỗi tháng nhờ xuất khẩu trực tuyến
Đặt mục tiêu tiến ra khu vực Asean trong thời gian sớm nhất, Chautfifth bắt đầu thử nghiệm với mô hình bán hàng toàn cầu qua sàn thương mại điện và nhanh chóng đón nhận những kết quả khả quan sau gần 6 tháng khởi động...
Đi vào hoạt động chưa đầy hai năm nhưng Chautfifth đã được xếp vào nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng thần tốc bậc nhất làng startup thời trang Việt Nam. Tính đến nay, thương hiệu đã bán ra hơn 130.000 sản phẩm tự thiết kế và thiết lập độ phủ sóng mạnh mẽ trên toàn quốc. Với tiền đề này, trong năm nay, Chautfifth tự tin đặt ra mục tiêu tăng trưởng 100% doanh số so với năm 2023.
Những con số biết nói này chứng minh tham vọng mở rộng thương hiệu ra khu vực sau gần 2 năm phát triển thương hiệu của chị Trần Hoàng Châu - Giám đốc của Chautfifth là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến. Bởi bên cạnh việc đẩy mạnh kênh marketing và bán hàng trong nước, thương hiệu đã bắt đầu thử sức với mô hình bán hàng toàn cầu (SIP) qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee từ tháng 5 năm nay, tạo điều kiện để người dùng quốc tế có thể mua sắm các sản phẩm của Chautfifth dễ dàng và thuận tiện hơn.
Sip - Mô hình triển vọng đưa hàng Việt "phủ sóng" sàn ngoại
Tham gia chương trình bán hàng toàn cầu của Shopee, Chautfifth xác định tập trung vào các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đài Loan và Philippines.
Kết quả vượt xa kỳ vọng khi tháng 8 vừa qua, doanh số bán ra của Chautfifth ở thị trường quốc tế đã tăng gần 300% so với tháng trước đó, một bước nhảy vọt vô cùng ấn tượng chỉ sau 4 tháng thử sức. Nhánh xuất khẩu trực tuyến này cũng đóng góp vào con số tăng trưởng đạt 30% mỗi tháng của Chautfith trên Shopee, tính cả ở phạm vi trong nước và nước ngoài.
SIP giúp Chautfifth rút ngắn thời gian tiếp cận khách hàng thị trường nước ngoài.
“Shopee làm được câu chuyện giảm phí vận chuyển, một trong những yếu tố chính quyết định hành vi mua sắm của khách hàng tại nước ngoài”, đại diện thương hiệu cho hay. Trước đây Chautfifth thường tự vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng, tuy nhiên do quy mô nhỏ nên không tối ưu được chi phí. Shopee giải quyết yếu điểm này bằng cách sắp xếp vận chuyển một khối lượng lớn đơn hàng cùng lúc ra kho nước ngoài, do đó phí vận chuyển tốt hơn và khách hàng cũng rất vui vẻ khi nhận được mã freeship từ sàn.
Trong khuôn khổ chương trình SIP, Chautfifth cũng được Shopee hỗ trợ đồng bộ gian hàng tự động và cùng lúc tại nhiều quốc gia, lên chương trình marketing bán hàng và giải quyết toàn bộ các khâu giấy tờ pháp lý về xuất nhập khẩu, kho bãi, vận chuyển. Điều này giúp Chautfifth tập trung toàn lực vào việc phát triển sản phẩm mới và xác định sản phẩm chủ lực cho từng thị trường, chú trọng hơn vào ngách sản phẩm có thể đáp ứng được người tiêu dùng chính của thương hiệu là Millennials và GenZ.
Vào giai đoạn cao điểm cuối năm, thương hiệu đặt mục tiêu tăng trưởng dương vượt mốc 30% và tin rằng con số này sẽ tiếp tục đi lên khi “Shopee giúp tạo ra thói quen mua hàng dễ dàng ở bất cứ đất nước nào”.
Xuất khẩu thương mại điện tử trở thành "cánh tay nối dài" của nhiều doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ngày càng mở rộng kinh doanh ra khu vực và thế giới, nhờ sự hỗ trợ to lớn từ thương mại điện tử.
Anh Đinh Hữu Lâm, chủ thương hiệu thời trang Big Size Boutique trên Shopee cho rằng, trước đây các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường rất khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới vì không đủ kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế để tìm kiếm các đối tác quốc tế. Nhưng giờ đây, sự xuất hiện của các chương trình bán hàng toàn cầu như SIP trên Shopee giúp doanh nghiệp tiệm cận khách hàng nước ngoài một cách nhanh chóng và tiện lợi, trong khi những thủ tục pháp lý và vận hành trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đều được phía sàn hỗ trợ.
Theo anh Lâm, các thị trường như Thái Lan và Malaysia đều có nhu cầu lớn về sản phẩm thời trang ngoại cỡ, đặc biệt là các sản phẩm đồ bộ mặc ở nhà. Do đó doanh nghiệp của anh xác định đánh mạnh vào ngách này để kéo doanh số. Riêng tại thị trường Thái Lan, Big Size Boutique đạt tăng trưởng 167% và lượng đơn hàng chạm mốc 220% chỉ sau 30 ngày gia nhập SIP.
Big Size Boutique có kế hoạch mở rộng sang toàn thị trường Đông Nam Á thông qua SIP.
Một trường hợp khác là SK Food chuyên kinh doanh các sản phẩm hạt điều và trái cây sấy. Ngày sale số đôi 9/9 vừa qua, thương hiệu ghi nhận Singapore là thị trường mang lại doanh thu tốt nhất. Tính tổng các thị trường mà SK Food hiện đang có mặt bao gồm Singapore, Đài Loan, Malaysia, doanh số trong ngày 9/9 đạt mức tăng 270% so với ngày thường, trong khi lượng đơn tăng 200%. Trái cây sấy khô là mặt hàng bán chạy nhất, tăng 64% so với ngày thường, phần lớn nhờ vào chính sách hỗ trợ chạy quảng cáo kết hợp với giảm giá và freeship được Shopee áp dụng.
Ngày 15/9 vừa qua, SK Food còn tham gia chuỗi livestream “Tinh Hoa Việt Du Ký” với chủ đề vươn ra biển lớn của Shopee, trở thành thương hiệu điển hình trong việc tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ sàn để phát triển gian hàng trong nước lẫn nước ngoài.
Đánh giá hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử với các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Shopee Việt Nam thông tin, hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia SIP và mỗi tháng đều thu hút thêm hàng ngàn nhà bán hàng mới nhập cuộc, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á. Hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam trong chương trình cũng tăng đều đặn từ 20-30%.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.