Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của ASEAN-6 sẽ đạt 30,4 tỷ USD vào năm 2028
Báo cáo do Amazon Global Selling ủy quyền công bố mới đây, cho biết doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) của ASEAN-6 bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines) dự kiến sẽ đạt 30,4 tỷ USD vào năm 2028.
Theo báo cáo do Access Partnership thực hiện và được Amazon Global Selling ủy quyền, với tốc độ áp dụng và xuất khẩu thương mại điện tử hiện tại, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của ASEAN-6 ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 10% từ năm 2023. Con số này vượt xa tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử toàn cầu trong 5 năm tới.
Nhìn về tương lai, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) dự kiến sẽ chiếm 48% giá trị này. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của ASEAN-6 ước tính đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2023, trong đó MSME chiếm 38% tổng doanh thu này.
Malaysia được dự đoán sẽ dẫn đầu ASEAN-6 với doanh thu 4,6 tỷ USD vào năm 2023. Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C tương đối cao của quốc gia này có thể là nhờ vào ngành sản xuất lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể hàng tiêu dùng trong cơ cấu sản xuất, đặc biệt là đồ nội thất và quần áo. Cùng với đó là xu hướng xuất khẩu tương đối cao nhờ sự kết hợp giữa hoạt động hậu cần đô thị hiệu quả, rào cản ngôn ngữ nước ngoài giảm và tỷ lệ thâm nhập thanh toán kỹ thuật số tăng nhanh dự kiến sẽ đạt từ 61% vào năm 2023 lên 88% vào năm 2028.
Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của ASEAN-6 sẽ đạt 30,4 tỷ USD vào năm 2028
Việt Nam cũng được dự đoán sẽ dẫn đầu khu vực với doanh thu 3,6 tỷ USD. Đây là kết quả của vị thế đặc biệt vững chắc trong sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng.
Mặt khác, ước tính tương đối nhỏ của Singapore là 1,3 tỷ USD cho doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C, bất chấp nước này là một cường quốc xuất khẩu, bởi lĩnh vực sản xuất của Singapore tập trung chủ yếu vào các mặt hàng liên quan đến doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) như chất bán dẫn và hóa chất.
Trong khi đó, với Indonesia, dù là quốc gia có tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) lớn nhất trong khu vực, nhưng quốc gia này vẫn tụt hậu hơn khi ghi nhận ở mức 3,1 tỷ USD, do tỷ lệ tham gia xuất khẩu thương mại điện tử B2C thấp. Đáng chú ý, Indonesia có một trong những tỷ lệ xuất khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp nhất trong số các nước ASEAN-6.
Riêng Philippines, trong khi có thị trường thương mại điện tử trong nước khá lớn với tổng giá trị hàng hóa (GMV) là 16 tỷ USD vào năm 2023, tương đương với Việt Nam, thì doanh thu xuất khẩu B2C của nước này khá thá thấp, chỉ ở mức 0,3 tỷ USD. Báo cáo cho biết yếu tố chính khiến doanh thu của nước này thấp là bởi chi phí hậu cần cao, làm tăng chi phí hoạt động và khiến hàng xuất khẩu từ Philippines kém cạnh tranh hơn.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp MSME tin rằng thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, với 90% doanh nghiệp MSME ở ASEAN-6 đồng ý rằng họ sẽ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.
Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng rất lạc quan về tương lai, với 65% doanh nghiệp MSME kỳ vọng doanh số thương mại điện tử B2C của họ sẽ tăng trưởng hơn 20% trong năm năm tới. Trong khi có 46% doanh nghiệp MSME cho biết hơn một nửa doanh số thương mại điện tử B2C của họ hiện nay đến từ thị trường nước ngoài.
Nhìn chung, các doanh nghiệp MSME ASEAN-6 ưu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nội khối Đông Nam Á hiện nay và trong năm năm tới. Điều này phần lớn phù hợp với số liệu thống kê thương mại rộng hơn của ASEAN, trong đó bốn thị trường này chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN.
Riêng với ba thị trường lớn, gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản được kỳ vọng có khả năng thúc đẩy nhu cầu thương mại điện tử đối với hàng tiêu dùng từ ASEAN-6.
Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, ông Anand Palit, cho biết: "Hàng nghìn doanh nghiệp ở Đông Nam Á bán sản phẩm của họ tại cửa hàng Amazon ở Hoa Kỳ thông qua Amazon Global Selling và số lượng người bán mới ở Đông Nam Á bán hàng trên Amazon.com đã tăng 50% trong năm 2024 so với năm ngoái".
Tuy nhiên, theo báo cáo, 9 trong số 10 doanh nghiệp MSME xác định việc thiếu hiểu biết về các quy định xuất khẩu nước ngoài và chi phí hậu cần cao là những trở ngại chính của họ. Khoảng 90% đơn vị MSME đồng ý rằng việc thiếu hiểu biết về các quy định nhập khẩu thương mại điện tử ở quốc gia đích sẽ cản trở khả năng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của họ.
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng trong xuất khẩu thương mại điện tử là đáng kể, song báo cáo của Amazon Global Selling vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những nỗ lực phối hợp để trao quyền cho các doanh nghiệp MSME, đảm bảo họ có thể tham gia đầy đủ và hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.