Ưu tiên KHCN, thu hút đầu tư chiến lược để đạt mục tiêu tăng trưởng

11:44, 17/07/2025

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, diễn ra sáng 16/7, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định quyết tâm cùng cả nước chung tay đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, nhằm tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.

Lãnh đạo các địa phương đều đồng lòng thống nhất con số tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%. Và có các giải pháp thiết thực để đạt được mục tiêu này.

Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để tạo đột phá

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Thành phố đạt mức tăng trưởng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%). Tăng trưởng kinh tế quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%, dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV sẽ đạt 8,53%.

Cấu thành nên mức tăng trưởng của thành phố, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so cùng kỳ năm 2024. Số thu ngân sách của thành phố chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước (1.332,3 nghìn tỷ).

Với kết quả này, Chủ tịch Thành phố nhận định, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội bảo đảm hoàn thành mục tiêu 8% của cả năm.

Chủ tịch Nguyễn Sỹ Thanh cho biết, Với lợi thế Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp bán dẫn và cũng là địa phương ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, vậy nên trong tháng 9 này, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm. Khu công nghệ cao này có chức năng thực hiện hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Đây là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển của Khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, với mục tiêu trở thành một đô thị khoa học công nghệ hiện đại, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, đồng bộ.

Về hạ tầng giao thông, Thành phố quyết tâm thi công Đường Vành đai 4 - một dự án giao thông trọng điểm của vùng Thủ đô. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, kết nối các khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế… Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng chiến lược sân bay và kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô…

Về tiêu dùng và xuất khẩu, Hà Nội phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2025, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô đạt mức tăng trưởng 14%. Đồng thời, Thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút nguồn vốn FDI và giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra…

Thúc đẩy chuỗi tăng trưởng dịch vụ và các động lực tăng trưởng mới

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm của Thành phố ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố cũng duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,6 tỷ USD tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2024 (cùng kỳ tăng 4,6%).

Trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng, đến cuối tháng 6/2025, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 4,26 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so cuối năm 2024 và tăng 16,63% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng năm 2025 trên địa bàn TP ước tăng 8,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,6%); trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 8,75% (cùng kỳ tăng 5,0%). Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước gần 180 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, đạt 18,9% so với GRDP…

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, với kết quả trên, Thành phố hoàn toàn tin tưởng sẽ cùng cả nước đạt thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3% đến 8,5%, phấn đấu đạt mức cao nhất là 8,5% cho cả nước.

"Để đạt được mục tiêu này, Thành phố đã đạt tăng trưởng 9,04% lũy kế từ đầu năm đến nay; trong đó, quý III đạt 9,01% và quý IV dự kiến đạt 9,84%", Chủ tịch TP nói.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Được, TPHCM sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:

Một là Thành phố sẽ tích cực thúc đẩy đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính.

"Nền kinh tế quốc gia vững mạnh sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ thi công và cải cách thủ tục đầu tư công, góp phần đạt tăng trưởng theo đúng kế hoạch 8,5%", Chủ tịch TP nói.

Hai là tiếp tục thúc đẩy các động lực truyền thống. Trong đó tập trung vào thương mại dịch vụ và kích thích tiêu dùng. Ở giải pháp này, Thành phố sẽ triển khai kế hoạch thúc đẩy chuỗi tăng trưởng dịch vụ, gắn với các sự kiện đại lễ Quốc gia, đồng thời sẽ triển khai đề án chỉnh trang và phát triển mỹ quan đô thị. Đề án này sẽ được triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba là hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu. Đây là động lực truyền thống nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành nghề gặp khó khăn của TPHCM trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Hiện nay, Thành phố đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Bốn là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó có việc phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Hiện nay, Thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính chấp thuận việc lập hồ sơ chấp thuận các nhà đầu tư cho việc chuyển đổi công năng hoặc phát triển các khu vực cảng hiện đại. Việc này đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khoảng một tháng trước đây.

Năm là tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Các ngành chức năng sẽ tháo gỡ vướng mắc để khơi thông nguồn đầu tư khoảng 400 nghìn tỷ đồng đối với các dự án thuộc thẩm quyền của TPHCM.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư chiến lược

Cùng với các địa phương, TP Đà Nẵng cũng đồng lòng nỗ lực phấn đấu để cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng chung theo Kịch bản mà Chính phủ đã đưa ra.

Lãnh đạo Thành phố cho biết, mục tiêu tăng trưởng của Thành phố Đà Nẵng năm nay là 9%. Và theo đó, Đà Nẵng dự kiến là lĩnh vực dịch vụ (thế mạnh của Thành phố) tăng trưởng cả năm đạt từ 10-10,5%; lĩnh vực công nghiệp xây dựng dự kiến 13-13,5%...

Theo đó, Thành phố sẽ tập trung vào một số việc.

Thứ nhất, triển khai hiệu quả các chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (cũ).

Thứ hai, thực hiện hiệu quả các giải pháp và các dự án về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và nhất là các dự án về xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số phục vụ cho công việc liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, sớm triển khai nhiều kế hoạch để đưa Khu thương mại tự do Đà Nẵng đi vào hoạt động, tạo động lực mới phát triển thành phố. Hiện Thành phố đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư chiến lược, phát triển không gian biển hợp lý và đề xuất cơ chế chính sách vượt trội trình các cấp có thẩm quyền.

Song hành cùng Khu thương mại tự do, Đà Nẵng cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính. Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ tập trung vào các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động thương mại xuyên biên giới...